Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao đời sống công nhân tại các khu công nghiệp: Cần quan tâm nhiều hơn

Linh Chi - Hà Quý| 13/07/2018 06:55

(HNM) - Những năm gần đây, điều kiện sinh hoạt và làm việc của công nhân trên cả nước đã có cải thiện đáng kể. Song vẫn còn không ít người có cuộc sống khó khăn, cần được quan tâm nhiều hơn nữa...

Bếp ăn tập thể đạt chuẩn dành cho công nhân tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội).Ảnh: Nhật Nam


Bài 1: Cải thiện mức sống, nâng cao năng suất

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn, đời sống của công nhân ngày càng được cải thiện về mọi mặt. Mức lương của công nhân đang tăng dần, thời gian làm việc được quy định cụ thể phù hợp với thể trạng người lao động. Qua đây, người lao động có thêm động lực phấn đấu nâng cao tay nghề, năng suất, chất lượng công việc...

Chính sách đúng

Cùng với sự phát triển của đất nước, những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống công nhân lao động - lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - đã được ban hành và tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực. Nhiều địa phương trong đó có TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả các chính sách, pháp luật lao động, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách, tạo chuyển biến rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân.

Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; các cấp, các ngành đã xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương.

Theo đó, nhiều đề án, dự án nhằm bồi dưỡng, đào tạo và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động được triển khai thực hiện. TP Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách cụ thể như hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động các khu công nghiệp tập trung, quan tâm các dịch vụ xã hội và chính sách an sinh cho người lao động có thu nhập thấp... Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp được các ngành chức năng thành phố triển khai quyết liệt, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Qua kiểm tra, thành phố truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội; giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Đặc biệt hằng năm, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp tổ chức tiếp xúc, đối thoại với công nhân lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất, giải quyết các kiến nghị chính đáng của người lao động. Năm 2018, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đối thoại, trực tiếp trả lời kiến nghị của cán bộ công đoàn, công nhân lao động; tập trung vào các vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, quy hoạch xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện, nhà văn hóa công nhân, khu vui chơi cho trẻ em, nhà ở xã hội cho công nhân; giá điện, nước sinh hoạt; vấn đề môi trường; công tác an ninh trật tự; việc thực hiện các chế độ bảo hiểm cho người lao động. Đáng chú ý, thành phố đã tập trung giải quyết dứt điểm 37/47 vấn đề được kiến nghị, 10 vấn đề còn lại đang triển khai nên công nhân, chủ doanh nghiệp rất tin tưởng.

Tại TP Hồ Chí Minh, người lao động đã được các cấp lãnh đạo thành phố, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần. Môi trường làm việc được cải thiện, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phần lớn công nhân được khám sức khỏe định kỳ. Ngoài lương, người sử dụng lao động tại nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ tiền xăng xe, trợ cấp trượt giá, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ tiền thuê nhà; một số doanh nghiệp còn xây dựng nhà lưu trú với những trang thiết bị hiện đại (máy giặt, phòng đọc sách…) cho công nhân ở miễn phí.

Hành động thiết thực, cụ thể

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long mua sắm hàng hóa tại Hội chợ hàng Việt do Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Quế Chi


Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Việt Nam Phạm Thị Bích Hải cho biết: Nhân Tháng Công nhân 2018, doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn công ty thực hiện 9 nội dung hỗ trợ công nhân lao động. Trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng tác phong lao động công nghiệp; vận động công nhân tích cực học tập, tiếp thu công nghệ mới; đẩy mạnh thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, chạy, kéo co, cờ tướng, các hội thi nấu ăn, cắm hoa; tổ chức đào tạo về dinh dưỡng; tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Vào những ngày trời nóng, công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động phát nước giải khát cho công nhân lao động...

Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết: Tháng Công nhân vừa qua, đơn vị đã tặng hàng trăm suất quà hỗ trợ công nhân nghèo, khám bệnh, tư vấn chuyên khoa và tổng thể, tập huấn về dinh dưỡng gia đình và trẻ em, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao… nâng cao đời sống tinh thần công nhân lao động.

Tương tự ở TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tổ chức các lớp học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa; các hoạt động thi nhảy bao bố, bóng đá mini, cờ tướng, kéo co, văn nghệ… giúp cho người lao động an tâm làm việc và đạt năng suất, chất lượng cao. Không riêng ở các công ty Toto, Pouyuen, nhiều doanh nghiệp hiểu rõ vai trò của người lao động trong ổn định sản xuất nên đã có nhiều chính sách thiết thực chăm lo đời sống công nhân lao động, như hỗ trợ lao động nữ có thai, trợ cấp nuôi con nhỏ, học ngoại ngữ, xăng xe...

Cùng với sự quan tâm chăm lo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của tổ chức công đoàn và nhiều chủ doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao, đời sống công nhân lao động đang được cải thiện rõ rệt. Tuy vậy, bên cạnh những điểm sáng trên, một bộ phận không nhỏ công nhân lao động, nhất là những người đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.(Còn nữa)

Thu nhập trung bình của người lao động đạt 5,53 triệu đồng/tháng

(HNM) - Chiều 12-7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố khảo sát thực tế về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, đời sống của người lao động và thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp năm 2018.

Theo đó, tiền lương cơ bản hằng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công) trung bình là 4,67 triệu đồng, trong đó người lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, giao thông có tiền lương cơ bản hằng tháng cao nhất với bình quân là 4,949 triệu đồng; thấp nhất là lao động dệt may với 4,225 triệu đồng.

Ngoài tiền lương cơ bản, công nhân, lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác; nhưng các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm. Tổng cộng thu nhập trung bình của người lao động (không gồm ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng, tăng hơn 1,4% so với năm 2017.

Căn cứ kết quả khảo sát trên và phần thiếu hụt mức lương tối thiểu vùng năm 2018 chưa được điều chỉnh để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động (còn thiếu khoảng 7%), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8%.

Khánh Thu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao đời sống công nhân tại các khu công nghiệp: Cần quan tâm nhiều hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.