Với phương châm “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả thực hiện”, nhiều địa phương, đơn vị của thành phố Hà Nội đã triển khai các mô hình như: “Ngày thứ tư tốc ký”, “Một hồ sơ, ba kết quả”… góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ trả trước hạn; tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho tổ chức và cá nhân khi đến giải quyết thủ tục hành chính.
Dù có nhiều chuyển biến tích cực, song đánh giá một cách khách quan, công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2022) của thành phố Hà Nội có tăng về điểm số và thứ hạng nhưng một số chỉ tiêu thành phần có dấu hiệu suy giảm. Trong đó chỉ số về công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố, tụt 16 bậc so với năm 2021.
Ðề án “Bộ phận một cửa hiện đại” đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nhưng trên thực tế kết quả và tiến độ triển khai tại các cơ quan, đơn vị còn chậm. Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin “Một cửa điện tử” của thành phố trong quá trình vận hành còn nhiều lỗi, gây khó khăn cho các cơ quan, đơn vị và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính... Trong khi đó, đội ngũ cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã… hầu hết đều kiêm nhiệm và luôn biến động nên có đơn vị bị quá tải, chất lượng hiệu quả chưa tương xứng.
Ngày 5-10 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND về triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã. Kế hoạch được ban hành căn cứ theo Quyết định số 4190/QĐ-UBND ngày 22-8-2023 của UBND thành phố về việc ban hành Chỉ số cải cách hành chính các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2030.
Tại văn bản mới nhất này, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ hoặc tham gia phối hợp triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã bảo đảm chất lượng công việc và tiến độ được giao; thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, trách nhiệm về đánh giá, chấm điểm công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị, bảo đảm trung thực, chính xác; tổ chức điều tra xã hội học khách quan, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế.
Để việc cải cách hành chính thực chất, hiệu quả, trước hết mỗi đơn vị cần nhìn thẳng vào những hạn chế, từ đó có những giải pháp, đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị mình. Việc tiếp tục thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu theo thời gian thực theo quy định tại Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23-6-2023 của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Qua đó, mỗi cán bộ, công chức nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, ký số văn bản điện tử và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ. Có như vậy, công tác cải cách hành chính mới thực sự hướng đến nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.