(HNMO) - Tại Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVI diễn ra sáng nay (15-1), các đại biểu lãnh đạo sở, ban, ngành đã có nhiều ý kiến thiết thực đóng góp cho Dự thảo kế hoạch của Thành uỷ thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội điều hành phần thảo luận Dự thảo kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TƯ. |
Thực hiện bài bản, đồng bộ các giải pháp
Theo đồng chí Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, trong năm 2017, TP Hà Nội được Trung ương đánh giá cao trong việc thực hiện Nghị quyết 39. TP Hà Nội đã sắp xếp 70 ban quản lý dự án thành 41 ban quản lý dự án. Việc tổ chức lại quỹ đầu tư, phát triển thành phố với những bước đi, cách làm đã tương đối bài bản, chặt chẽ, cơ bản không phát sinh khiếu kiện. Hiện nay, tổng biên chế, viên chức, sự nghiệp trên toàn thành phố do HĐND thành phố quyết định là 135.123 biên chế, hiện đã thực hiện 117.024 biên chế, như vậy thiếu so với nghị quyết của HĐND là 18.099 người. Năm 2018, HĐND thành phố đã nghị quyết, quyết định 127.923 biên chế, giảm 5,3% so với năm 2017. Cơ bản, hiện nay thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu vị trí việc làm của các đơn vị công lập trên địa bàn thành phố, hiện chỉ một số đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực hiện được sắp xếp việc làm do một số viên chức làm nhiệm vụ chuyên môn công chức.
Đại biểu Bùi Huyền Mai. |
Theo đồng chí Bùi Huyền Mai, hiện nay, thành phố đã nêu rất rõ 7 nhóm nhiệm vụ chung, trong đó định hướng rõ việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, để việc thực hiện hiệu quả, đồng chí Bùi Huyền Mai đề nghị cần nêu rõ một số chỉ tiêu cụ thể như: nhóm giải pháp thứ 6 về hoàn thiện các cơ chế tài chính cần cụ thể hoá hơn, hoặc chỉ tiêu về yêu cầu giảm mạnh đầu mối. Đồng chí Bùi Huyền Mai cho biết, với tư cách là Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, sẽ tham mưu đoàn đại biểu Quốc hội để đóng góp với Quốc hội việc xác định rõ tiêu chí sáp nhập theo từng ngành, địa phương; đề nghị bổ sung thêm vào nhóm văn hoá - thể thao nội dung về kiện toàn hệ thống thư viện cấp huyện.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, Ban Pháp chế đã tổ chức giám sát sâu về tinh giản bộ máy của hệ thống chịnh trí. Ban Pháp chế đã hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức 22 sở, ngành theo hướng tinh gọn, giảm các biên chế lãnh đạo; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm được 551 biên chế công chức cấp sở, ngành; tinh giản 8.217 biên chế công chức… Đồng chí Nguyễn Hoài Nam cho biết, năm 2018, Ban Pháp chế tiếp tục tập trung giảm biên chế, tăng tính tự chủ; tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy cùng Ban Cán sự đảng UBND thành phố xây dựng, kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở, kiêm nhiệm các chức danh ở cơ sở.
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Hoài Nam tiếp tục kiến nghị các giải pháp hỗ trợ, như: Liên quan đến chế độ trong tính giản biên chế, đề nghị thành phố có các quỹ ngân sách để tạo điều kiện cho các đồng chí gần đến tuổi về hưu, hoặc vì sức khoẻ có thể về hưu trước thời hạn; việc tinh giản biên chế cần các bộ, ngành Trung ương cùng vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng đề án “Chính quyền đô thị”.
Cần lộ trình cụ thể trong từng giai đoạn
Góp ý vào Dự thảo kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập”, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao (VH-TT) Hà Nội Tô Văn Động nêu ý kiến, cơ bản nhất trí với bản dự thảo. Trong dự thảo có nêu mỗi tỉnh, thành phố giữ lại một đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, còn lại chuyển sang đơn vị sự nghiệp công hoặc trung tâm văn hoá. Theo đó, Hà Nội cũng đã thực hiện sáp nhập trung tâm văn hoá thể thao các quận, huyện và đã có hiệu quả. Tuy nhiên, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội đề nghị, TP Hà Nội xem xét tính đặc thù của Thủ đô khi thực hiện việc sáp nhập. “Hiện Hà Nội có 6 đơn vị nghệ thuật, nói là tiêu biểu thì đơn vị nào cũng tiêu biểu, ví như chèo, rối, kịch… không thua kém trung ương. Như vậy, cần phải có tiêu chí rõ thế nào là đơn vị nghệ thuật tiêu biểu truyền thống? Hà Nội có thể xin giữ lại thêm một đơn vị nghệ thuật truyền thống, hay thành lập một nhà hát, trong đó, có 2-3 đoàn nghệ thuật truyền thống không? Nếu không, e rằng Hà Nội khó là trung tâm văn hoá của cả nước”, đồng chí Tô Văn Động nêu ý kiến. Giám đốc Sở VH-TT cũng bày tỏ, các nghệ sĩ là những người nhạy cảm, vì thế khi thực hiện kế hoạch sáp nhập cần phải có lộ trình, không thể nói nhập là nhập, bỏ là bỏ ngay, cũng không nên lẫn lộn giữa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với nghệ thuật quần chúng, vì như vậy sẽ không thể phát triển văn hoá Thủ đô, xây dựng Thủ đô.
Đóng góp về lộ trình của thực hiện kế hoạch của Thành ủy, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành nêu ý kiến, hiện nay việc thực hiện Nghị quyết 39 có hai nội dung chính là: Sáp nhập các trường trung học và cao đẳng; rà soát các cơ sở bảo trợ công lập theo hướng đa chức năng… Theo đồng chí Khuất Văn Thành, hầu hết các trường trung cấp, cao đẳng đều hoạt động tốt, vì thế đề nghị thành phố, nếu trường nào hoạt động tốt thì nên giữ lại, chỉ nên sáp nhập những trường trung cấp và cao đẳng có chung ngành nghề. “Nếu các trường đang hoạt động tốt mà sáp nhập vào có khi lại hỏng. Vì thế, nên điều chỉnh lại để việc sáp nhất đạt hiệu quả”, đồng chí Khuất Văn Thành đề nghị.
Về cơ sở đào tạo, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện các cơ sở này hoạt động kém hiệu quả nên việc hợp nhất các cơ sở này thành một trung tâm đa chức năng là hợp lý. Tuy nhiên, việc này chưa có hướng dẫn cụ thể, nên đề nghị thành phố cho ý kiến chị đạo về lộ trình thực hiện để các bộ phận vận hành thực hiện không bị lúng túng.
Tiếp tục vấn đề tinh giản biên chế, đồng chí Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, sau khi thực hiện tinh giản biên chế, hiện nay số lượng hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường đang thiếu 35 chỉ tiêu. Sở GD-ĐT đề nghị thành phố cho phép Sở tăng chỉ tiêu học trung cấp chính trị đối với cán bộ theo diện quy hoạch; đề nghị UBND thành phố ban hành tiêu chuẩn cụ thể từng chức danh các vị trí; cho phép tuyển dụng giáo viên, nhân viên, bởi hiện nay, ngành giáo dục đang thiếu 9.826 giáo viên, nhân viên (trong đó thiếu 9.153 giáo viên)… Việc cho phép tuyển dụng này để giúp nhà trường ổn định trong công tác giảng dạy, tránh đơn vị thực hiện ký hợp đồng không đảm bảo chất lượng, không công khai dẫn đến sai phạm. Nếu thành phố thống nhất không tuyển dụng mới, thì cần phải có hướng dẫn cụ thể để giáo viên các trường yên tâm công tác....
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.