Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

TS Nguyễn Tùng Lâm| 07/10/2015 06:36

(HNM) - Sau khi đọc dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, với tư cách một đảng viên lâu năm, một nhà giáo lão thành, tôi xin tham gia một số ý kiến về sự phát triển của giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) trong những năm tới.


Dự thảo đã đề xuất những định hướng tương xứng với vị thế phát triển giáo dục Việt Nam trong những năm tới để "Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân... và phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực". Để đạt mục tiêu nêu trên, dự thảo đã đề ra một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, đó là: Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở... Đây là những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện đồng bộ để giáo dục Việt Nam phát triển đúng tầm. Trong điều kiện một bản dự thảo Báo cáo chính trị chắc chắn không có điều kiện nêu cụ thể, chi tiết, chúng tôi muốn đóng góp thêm để Ban dự thảo văn kiện có thể chắt lọc, đưa thêm những vấn đề cần giải quyết nhằm thực hiện bằng được những mục tiêu Đại hội đề ra.

Với mục tiêu "phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực", nhiều năm qua, tôi thấy GD-ĐT của chúng ta đã làm tốt mục tiêu này, không phải chỉ có số học sinh đoạt giải quốc tế, mà còn xây dựng được nhiều mô hình trường học tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhưng để "đạt trình độ tiên tiến trong khu vực" không phải chuyện dễ. Đây là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước cũng là nguyện vọng tha thiết của người dân cả nước muốn được thụ hưởng một môi trường giáo dục có chất lượng cao, không thua kém những nước tiên tiến trong khu vực. Để đạt mục tiêu lớn này, Báo cáo chính trị của Đảng đã đưa ra nhiều giải pháp, tôi xin góp ý thêm một số việc cụ thể:

Trước tiên là vấn đề "nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục". Đây là nhiệm vụ hết sức cơ bản, bởi không có đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo đứng lớp có chất lượng thì không thể nói tới chất lượng giáo dục. Song, nếu chỉ dừng lại ở việc "đào tạo, bồi dưỡng" thì chưa đủ, mà phải tiến hành đồng bộ "sử dụng, đãi ngộ và chọn lọc". Chỉ khi nào các thầy giáo, cô giáo sống được bằng chính đồng lương thì giáo dục mới có chất lượng, khi đó giáo viên mới toàn tâm, toàn lực với các nhà trường. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 29-NQ/TƯ: "Việc tuyển dụng, sử dụng đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác… có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ".

Về cơ sở vật chất, nếu chỉ "tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại" theo tôi là chưa đủ. Đầu tư cơ sở vật chất không chỉ đồng bộ, hiện đại mà phải phát huy, phải được sử dụng cho mục tiêu giáo dục toàn diện. Trong chương trình giáo dục đổi mới những năm tới, phải làm sao để phát triển các năng lực cơ bản của học sinh. Muốn vậy, học sinh phải có đủ cơ sở vật chất để thực hành, để phát huy khả năng sáng tạo, vận dụng lý thuyết vào thực tế. Để tạo thế chủ động cho các nhà trường, tôi mong muốn dự thảo bổ sung giải pháp về cơ chế quản lý trong các nhà trường, cụ thể là quy chế phát huy dân chủ và tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cho các nhà trường. Nghị quyết 29-NQ/TƯ đã chỉ rõ "Đổi mới công tác quản lý GD-ĐT, bảo đảm dân chủ thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD-ĐT; coi trọng quản lý chất lượng".

Để thực hiện được cơ chế dân chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của các trường học, chúng tôi kiến nghị Nhà nước sớm yêu cầu các địa phương triển khai Hội đồng giám sát cộng đồng trong các trường học như Pháp lệnh 34/PL của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho người dân được quyền chủ động giám sát kinh phí trong việc xây dựng các công trình công cộng tại xã, phường, thị trấn. Nếu không đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng giám sát cộng đồng trường học sẽ khó thực hiện dân chủ và tự chủ trong các nhà trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.