Là vùng trồng lúa trọng điểm của huyện Thanh Oai, trong những năm qua, xã Tam Hưng đã xây dựng thành công thương hiệu “Gạo thơm Bối Khê”, với hai dòng sản phẩm là bắc thơm số 7 và nếp cái hoa vàng.
Đây cũng là 2 sản phẩm tiêu biểu đạt 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Xã Tam Hưng có 100% diện tích đất nông nghiệp đều trồng lúa. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên, hiện toàn xã có gần 730ha lúa chất lượng cao, trong đó có 250ha lúa nếp cái hoa vàng, còn lại là giống bắc thơm số 7 cùng một số giống lúa khác. Do có tới 50% diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP, nên mỗi năm vùng lúa Tam Hưng cung cấp 1.000-1.400 tấn gạo chất lượng cao cho thị trường.
Nói về sự hồi sinh và phát triển của cây lúa trên đất Tam Hưng, bà Lê Thị Hải (thôn Song Khê, xã Tam Hưng) chia sẻ, với phương thức canh tác cũ, giống lúa thuần, năng suất cũng như chất lượng lúa thấp, nhiều nông dân không mặn mà với cây lúa. Song, từ năm 2012, Tam Hưng được chọn tham gia Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của thành phố, các giống lúa chất lượng cao được đưa vào gieo cấy và ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Giá trị cây lúa bắt đầu tăng cao từ thời điểm đó.
Từ những mô hình điểm ban đầu, mỗi vụ, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng đều mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Thay vì sản xuất lúa gạo với số lượng lớn, hợp tác xã tập trung phát triển các giống lúa có hàm lượng dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon. Năm 2014, sản phẩm “Gạo thơm Bối Khê” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, với 2 dòng sản phẩm là gạo bắc thơm số 7 và nếp cái hoa vàng.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng tiếp tục khẳng định thương hiệu “Gạo thơm Bối Khê” khi xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên cho hay, để cây lúa trên đất Tam Hưng đáp ứng được yêu cầu, xu hướng mới của thời hội nhập, năm 2018, hợp tác xã đã triển khai xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo với dây chuyền sản xuất hiện đại. Đặc biệt, hợp tác xã đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như: Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, Công ty cổ phần Gạo Bảo Minh, Công ty TNHH Đông Sơn, Công ty Thái Sơn…
Hiện tại, “Gạo thơm Bối Khê” sau xay xát được đóng gói có logo, nhãn hiệu sản phẩm hoặc đóng bao lớn theo yêu cầu của khách hàng, với giá bán 30.000 đồng/kg gạo nếp cái hoa vàng và 18.000 đồng/kg gạo bắc thơm số 7. Ngoài đối tượng khách hàng là các công ty, chuỗi bán hàng thực phẩm an toàn, siêu thị, hợp tác xã còn cung cấp gạo cho các bếp ăn tập thể, trường mầm non trên địa bàn huyện. Nhờ đó, sản phẩm gạo bắc thơm số 7 và nếp cái hoa vàng của Tam Hưng đã khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân nơi đây. Tam Hưng cũng trở thành vùng lúa trọng điểm, chất lượng cao, quy mô lớn của Hà Nội.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, với quy trình sản xuất khép kín, chất lượng bảo đảm, sản phẩm gạo bắc thơm số 7 và nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố.
Với những bước đi định vị thương hiệu trên thị trường, thời gian tới, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng những tiêu chí của thành phố để sớm đưa 2 sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng và bắc thơm số 7 thành sản phẩm OCOP 5 sao. Hợp tác xã cũng chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP đối với sản phẩm gạo Japonica, gạo đài thơm số 8 và bắc hương số 9, nhằm đa dạng hơn nữa về nguồn cung và hướng tới xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị, sở, ngành của thành phố để hỗ trợ xã Tam Hưng, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng trong quy hoạch vùng, xây dựng khu sơ chế, chế biến; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm... “Cùng với vùng sản xuất sản phẩm "Gạo thơm Bối Khê", huyện sẽ hình thành vùng nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm, vừa quảng bá nông sản, vừa nâng cao đời sống cho người dân địa phương”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.