Hà Nội kết nối

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, “nhắm trúng” thị trường lao động

Thúy Nhi - Nguyễn Lê 10/09/2023 - 16:38

Ngày 10-9, HĐND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 9-2023 với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”.

anh-1.jpg
Học viên học nghề nấu ăn tại Trường Trung cấp Việt Giao (quận 10).

Gắn kết trường nghề, học viên và doanh nghiệp

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, 7 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết việc làm cho 189.791/300.000 lượt người lao động, bình quân có khoảng hơn 90% sinh viên cao đẳng nghề, hơn 84% học viên trung cấp nghề có việc làm phù hợp.

Hiện thành phố có 370.914 người học nghề tại các trường, trong đó 177.129 người học cao đẳng, 126.131 người học trung cấp, 33.827 người học sơ cấp đào tạo thường xuyên. Tuy nhiên, thiết bị giảng dạy tại các trường nghề còn lạc hậu chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo. Phần lớn các trường nghề ở thành phố hiện nay chưa đảm bảo diện tích; các trường nghề khó tuyển sinh chiếm khoảng 20%, mất cân đối ngành nghề đào tạo, học viên học nghề khó khăn trong giai đoạn tìm việc.

Cử tri Pang Mỹ Nguyên (Giám đốc Công ty TNHH Linh Pang) đặt câu hỏi thành phố có những chính sách gì với doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động? Chính sách đào tạo nghề cho người lao động có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp như thế nào để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay?

Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Như Trang cho biết, đào tạo nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học và phí chênh lệch còn lại sẽ do phía doanh nghiệp cử đi, một phần do người học đóng góp.

Đối với nhóm đối tượng chính sách như phụ nữ, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức hỗ trợ tối đa là 6 triệu đồng/người/khóa học, thấp nhất là 2 triệu đồng/người/khóa. Ngoài ra, còn hỗ trợ chi phí ăn, đi lại cho người tham gia học một lần nếu khoảng cách từ nơi ở đến điểm học trên 15km.

Hiện nay, thành phố xác định ưu tiên đào tạo 8 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, truyền thông; cơ khí ô tô; cơ điện tử tự động hóa; kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị doanh nghiệp; logistics; chăm sóc sức khỏe; du lịch; xây dựng, môi trường, đô thị.

Còn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện nay thành phố có hơn 370 trường nghề, hàng năm đều có hướng nghiệp cho tất cả học sinh trên địa bàn thành phố lựa chọn vào các trường đại học, cao đẳng và các trường nghề. Theo kết quả những năm qua, số lượng học sinh vào các trường trung cấp nghề, cao đẳng chưa đạt số lượng 30% học sinh sau THCS vào trường nghề.

Cử tri Nguyễn Tấn Thông (công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) đặt câu hỏi, trên địa bàn thành phố hiện nay chủ doanh nghiệp và người lao động phải tự tìm kiếm, thành phố có chính sách gì trong gắn kết và tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp. Nhà nước có chính sách gì để hỗ trợ người lao động mất việc?

Trả lời vấn đề này, bà Huỳnh Lê Như Trang cho biết, luôn có sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo. Người học được thực tập trong thời gian học để quen các trang thiết bị của doanh nghiệp, việc này cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau tốt nghiệp mà không cần qua quá trình phỏng vấn, đánh giá kĩ năng nghề.

Các trường, các sàn tư vấn việc làm cũng thường xuyên tổ chức ngày hội tư vấn việc làm liên kết với các doanh nghiệp kết nối với người lao động. Người lao động thất nghiệp hiện nay, bên cạnh được hưởng trợ cấp, thì còn được tham gia đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí.

anh-2.jpg
Bệnh viện quận Tân Phú phỏng vấn tuyển lao động.

Tăng cơ sở đào tạo nghề tư thục

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm thành phố có 125.000 người tốt nghiệp tại các trường nghề và bổ sung cho thị trường lao động. Thành phố là nơi có nguồn nhân lực chất lượng tốt so với mặt bằng cả nước. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, nguồn nhân lực qua đào tạo đạt 87% và đến năm 2030 đạt 89%. Đây là thách thức không nhỏ nhưng thành phố quyết tâm đạt được.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, trong thực tiễn, triển khai công tác phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm còn nhiều bất cập. Thành phố đang rất quan tâm đào tạo nghề lĩnh vực công nghệ cao, tập trung ưu tiên đào tạo về tự động hóa, công nghệ sinh học nhằm cung cấp nhân lực cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược.

Các cơ sở giáo dục đào tạo nghề phải quan tâm đến chất lượng đào tạo, phải có cơ sở chất lượng mới có đầu ra chất lượng, như vậy cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học, quan tâm đến kiểm định chất lượng, khắc phục các yếu kém và phát huy các thế mạnh. Mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xác định thế mạnh đào tạo và phát huy thế mạnh như mũi nhọn của trường.

Thành phố sẽ tăng các cơ sở giáo dục chất lượng cao, giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, phấn đấu giảm 40% các trường trung cấp công lập; nâng cao tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên 45%. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo chương trình đạt chuẩn quốc tế, tiếp nhận, chuyển giao chương trình đào tạo quốc tế.

“Thành phố cũng sẽ thực hiện tốt giải quyết việc làm, triển khai thường xuyên các hoạt động kết nối cung cầu lao động, làm sao để người cần việc, người cần nhân lực gặp nhau đúng người, đúng việc, đúng thời điểm. Không để bị thiếu nhân lực cục bộ tại các ngành, lĩnh vực”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, “nhắm trúng” thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.