(HNM) - Nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND luôn là một vấn đề được nhiều đại biểu HĐND quan tâm. Mới đây, tại hội nghị giao ban thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng, nhiều đại biểu cho rằng, để đạt được mục đích trên, người chủ trì các phiên họp HĐND phải hiểu
Một buổi chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND TP Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Mỗi kỳ họp cấp tỉnh, thành phố thường được tổ chức trong khoảng từ 3 đến 6 ngày nên việc xây dựng chương trình kỳ họp khoa học, hợp lý sẽ tạo điều kiện để thường trực thay phiên nhau chủ trì điều hành các phiên họp chất lượng, hiệu quả. Thường trực HĐND chọn lọc những báo cáo, tờ trình cần ban hành nghị quyết để trình bày tại hội trường, nêu bật những vấn đề mới, những vấn đề cần thảo luận và đưa vào nghị quyết của HĐND, làm cơ sở cho UBND triển khai thực hiện. Một nội dung được dư luận quan tâm tại các kỳ họp là chất vấn và trả lời chất vấn. Ngoài việc tập hợp, tổng hợp và chuyển câu hỏi chất vấn đến các cơ quan có trách nhiệm trả lời theo quy định của pháp luật, nhiều đại biểu HĐND cho rằng để làm tốt hoạt động này, thường trực HĐND cần điều hành phiên chất vấn thật sự khoa học, quyết liệt và tinh tế. Thường trực HĐND cần định hướng các đại biểu HĐND trước khi chất vấn phải nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật về lĩnh vực đó, nắm chắc tình hình và bản chất vấn đề mình chất vấn. Cùng với câu hỏi chất vấn đã nêu, cần cập nhật thông tin để có thể trực tiếp đối thoại, tái chất vấn nhằm làm rõ bản chất vấn đề, trách nhiệm của cơ quan liên quan và các biện pháp giải quyết khả thi...
Theo kinh nghiệm điều hành kỳ họp của nhiều địa phương, đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, khi điều hành thảo luận, chủ tọa kỳ họp cần chú ý để có các ý kiến phát biểu từ nhiều phía, nhiều đối tượng giúp xem xét được toàn diện từ nhiều hướng, nhiều góc độ khác nhau. Những vấn đề còn chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau, chủ tọa kỳ họp đề nghị đại diện UBND, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn giải trình làm rõ để đại biểu HĐND có đủ thông tin trước khi quyết nghị. Khi biểu quyết, chủ tọa cũng cần chủ động và linh hoạt. Trên cơ sở tình hình và kết quả thảo luận, có thể lấy ý kiến biểu quyết một lần với toàn bộ nội dung dự thảo nghị quyết hoặc lấy ý kiến biểu quyết từng phần nghị quyết sau đó biểu quyết chung toàn bộ nghị quyết.
Với Thủ đô Hà Nội, để bảo đảm chất lượng các kỳ họp HĐND, thường trực HĐND đã yêu cầu các tổ đại biểu khi nhận được tài liệu kỳ họp thì chủ động tổ chức thảo luận tổ trước khi khai mạc kỳ họp. Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố cũng chuẩn bị gợi ý thảo luận để các đại biểu tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến tập trung vào vấn đề, nội dung quan trọng cần làm rõ để ra nghị quyết. Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt khẳng định, đây là kinh nghiệm mà Hà Nội áp dụng và nhận thấy phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, vừa không làm tăng số ngày họp, vừa tạo điều kiện để đại biểu nghiên cứu, thảo luận thấu đáo, phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu HĐND. Cũng do đã tổ chức thảo luận tổ trước kỳ họp nên tại các kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố chỉ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ, sau đó hướng cho các đại biểu tập trung thảo luận sâu về từng chuyên đề, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Trong đó tạo điều kiện để các đại biểu là chuyên gia, có sự am hiểu sâu sắc vấn đề đưa ra ý kiến, mời các cơ quan quản lý trình bày, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu còn băn khoăn để HĐND xem xét thấu đáo, toàn diện về các nội dung cần quyết định.
Đối với phần chất vấn và trả lời chất vấn, do được truyền hình trực tiếp nên Thường trực HĐND thành phố chọn những nội dung lớn, quan trọng, có liên quan đến nhiều cấp, ngành và những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Văn phòng HĐND tổng hợp các câu hỏi chất vấn do các đại biểu gửi về, báo cáo Thường trực HĐND thông qua và gửi đến các cơ quan chịu trách nhiệm trả lời trong thời hạn sớm nhất. Trả lời của cơ quan, tổ chức bị chất vấn nhất thiết phải bằng văn bản ngắn gọn, rõ trách nhiệm, giải pháp và thời hạn giải quyết. Ngoài việc phát huy dân chủ, tạo điều kiện cho các đại biểu thảo luận, tranh luận và chất vấn tại nghị trường, thành viên của các ban thuộc HĐND thành phố phải được coi là hạt nhân quan trọng trong quá trình thảo luận, chất vấn. Bằng phương pháp điều hành, tổ chức kỳ họp khoa học, các phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP Hà Nội đã thể hiện sự nghiêm túc, công khai, dân chủ, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật. Theo thống kê, mỗi kỳ họp có từ 30 đến 50 lượt chất vấn, tái chất vấn góp phần giải quyết nhiều vấn đề nóng, bức xúc trên địa bàn, giúp cử tri yên tâm, tin tưởng vào những người đại diện của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.