(HNMO) – Hàng ngày, rác thải sinh hoạt mà người dân ở không ít vùng quê ven sông Nhuệ “vô tư” xả xuống sông đã và đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng...
Thời gian qua, Báo Hànộimới đã có rất nhiều bài, ảnh phản ánh về tình trạng xả rác thải bừa bãi xuống dòng sông Nhuệ (trục chính chảy qua địa bàn Hà Nội). Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn và ngày càng thêm nghiêm trọng, nhất là tại khu vực các xã ngoại thành xa trung tâm Thủ đô, trong khi chính quyền sở còn thờ ơ, tắc trách.
Trục chính sông Nhuệ chảy qua địa bàn Hà Nội (bắt đầu từ cống Liên Mạc) qua các quận, huyện: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín. Đi xuôi dòng sông Nhuệ, nhất là vào những ngày nước cạn, người ta không khỏi hãi hùng vì những bãi rác thải sinh hoạt ven sông như những “trái núi”…
Trong số các xã ven sông Nhuệ có nạn xả rác thải sinh hoạt bừa bãi xuống sông phải kể đến xã Cự Khê, huyện Thanh Oai. Tình trạng xả rác xuống sông Nhuệ ở đây đã diễn ra từ nhiều năm nay. Với khoảng 3 km bờ sông Nhuệ chạy qua địa bàn 2 thôn của xã là Khúc Thủy và Cự Đà, có hàng chục bãi rác thải sinh hoạt góp phần lấp dòng chảy con sông. Trao đổi về thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương xác nhận là chính quyền xã có biết tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt xuống sông Nhuệ.
Đoạn sông Nhuệ chảy qua địa bàn xã Cự Khê ngập tràn rác thải |
UBND xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi xuống sông Nhuệ, nhưng chính quyền vận động cứ vận động, người dân xả rác, cứ xả rác. Theo ông Đặng Anh Phương, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động, thời gian qua, UBND xã Cự Khê cũng chưa có biện pháp gì quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn nạn đổ rác thải sinh hoạt xuống sông...
Ông Đặng Anh Phương cho biết, hiện nay, trong xã có 4 thôn (thuộc làng Khê Tang) đã thành lập tổ thu gom rác thải và tập kết về điểm tập kết tạm thời theo quy định và cứ mỗi tuần 3 lần, Công ty môi trường Thăng Long lại cho xe ô tô vận chuyển về nơi xử lý rác thải tập trung của thành phố. Đối với 2 làng còn lại là Cự Đà và Khúc Thủy do khó khăn về đường giao thông nên ô tô không thể vào được nên đến nay vẫn chưa thể triển khai việc thu gom rác thải. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thói quen xấu của người dân xả rác thải sinh hoạt xuống sông.
Theo ông Đặng Anh Phương, trong năm nay sẽ khắc phục được tình trạng xả rác bừa bãi xuống sông Nhuệ ở 2 thôn này, vì đường sá đã rộng rãi hơn và đang mở thêm tuyến đường mới đằng sau làng Cự Đà bảo đảm xe ô tô chở rác có thể vào được. Hiện nay, chính quyền xã đang chỉ đạo thôn Cự Đà và thôn Khúc Thủy triển khai thành lập ở mỗi thôn 1 tổ thu gom rác thải và vận chuyển về nơi tập kết rác thải tạm thời để ô tô của Công ty môi trường Thăng Long về vận chuyển đến nơi xử lý tập trung.
Đã đến lúc chính quyền cấp xã không thể thờ ơ, đứng ngoài cuộc trước nạn xả rác thải bừa bãi xuống dòng sông Nhuệ |
Thực tế cho thấy, không riêng gì ở Cự Khê, ở một số xã ngoại thành Hà Nội nằm ven sông Nhuệ, những năm trước đường sá đi lại không được thuận lợi nên việc thu gom vận chuyên rác thải sinh hoạt về nơi xử lý tập trung gặp không ít khó khăn. Do đó, người dân trong thôn, trong xã đã thành thói quen xấu là có rác thải sinh hoạt là vứt xuống sông Nhuệ. Đến nay, mặc dù đường sá đi lại đã được mở rộng, giao thông thuận lợi hơn trước, các huyện cũng đã đầu tư cho các xã ven sông Nhuệ phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt để chở về nơi tập kết tạm thời nhưng do một số xã, chính quyền chưa chỉ đạo sát sao nên việc duy trì chưa đi vào nền nếp, người dân vẫn giữ thói quen xấu xả rác thải xuống sông…
Mới đây, trong buổi giao ban quý I Chương trình số 02 của Thành ủy về triển khai xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt cho rằng, đối với tiêu chí môi trường (1 trong 19 tiêu chí nông thôn mới) là tiêu chí cần ít kinh phí hơn so với các tiêu chí khác nên cần tập trung vào thực hiện để sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, năm nay thành phố vẫn lấy chủ đề là “Năm trật tự, văn minh đô thị” thì không lẽ chính quyền một số xã ven sông Nhuệ cứ mãi để tình trạng người dân “vô tư” xả rác thải xuống sông Nhuệ? Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động, đã đến lúc chính quyền cấp xã phải quyết liệt vào cuộc, áp dụng những biện pháp mạnh, chứ không thể mãi thờ ơ, đứng ngoài xem như không phải trách nhiệm của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.