(HNMO) - Khoảng 4.000 vụ bắt giữ về vi phạm kinh doanh phân bón mỗi năm, nhưng chỉ có 10 vụ khởi tố, truy tố; cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón nhưng có tới hơn 10.000 nhãn mác, khiến thị trường phân bón như “ma trận” làm người tiêu dùng khó có thể phân biệt được chất lượng sản phẩm…
Lực lượng QLTT kiểm tra chất lượng phân bón. Ảnh Báo Đắklắk |
Tuy nhiên, điều đáng nói là nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng mang lại cho những kẻ gian lận lợi nhuận rất lớn, nhưng khi bị phát hiện lại chỉ bị phạt hành chính, hoặc bị tước giấy phép, nên không đủ sức răn đe. Từ thực tế này cho thấy, nạn phân bón giả đã đến mức báo động.
Thực trạng nhức nhối
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), vài năm trở lại đây, nạn sản xuất, kinh doanh (SXKD) phân bón giả, kém chất lượng có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã triển khai nhiều đợt kiểm tra chất lượng phân bón đang sản xuất và lưu hành trên thị trường, qua đó phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.
Phân bón giả không có giá trị dinh dưỡng, gây mất mùa, phá hoại môi sinh, mà còn khiến nước ta thiệt hại mất 2 tỷ USD/năm. Đó mới chỉ là tính toán theo khoản tiền mất đi chưa tương xứng với hàm lượng chất dinh dưỡng được công bố trên bao bì. Còn những thiệt hại vô hình và hậu quả do sử dụng phân bón giả, phân kém chất lượng gây ra với mùa màng, môi trường, sức khỏe cộng đồng và uy tín của thương hiệu nông sản Việt Nam thì còn nguy hại khôn luờng. Tuy nhiên, công tác quản lý và thanh-kiểm tra còn nhiều bất cập và hàm chứa cả những tiêu cực. Thực trạng nhức nhối này ai cũng thấy, nhưng cách xử lý và giải pháp khắc phục tới nay vẫn chưa hiệu quả.
Trung bình mỗi năm lực lượng QLTT cả nước bắt giữ khoảng 4.000 vụ vi phạm, thu giữ hàng nghìn tấn phân bón các loại. Có thể kể đến nhiều vụ điển hình như, Công an Hà Nội bắt hơn 60 tấn phân bón NPK giả; Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ 50 tấn phân bón giả tại huyện Lạc Sơn và Yên Thủy; tại Đồng Tháp, cơ quan chức năng đã thu giữ 775 bao thành phẩm (50 kg/bao)… cùng nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng khác, song chỉ rất ít trong số vụ vi phạm bị khởi tố, truy tố. Thường thì sau rất nhiều bước thanh, kiểm nghiệm, tranh cãi, vụ việc được chốt lại bằng hình thức xử phạt hành chính.
Qua điều tra, một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm rõ rệt, nhưng phải mất rất nhiều thời gian điều tra, các cơ quan chuyên ngành mới bắt được. Như trường hợp, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai thực hiện kế hoạch của BCĐ 389 Quốc gia đã kiểm tra Công ty CP SX-TM-DV Thuận Phong phát hiện DN này giả mạo sản xuất phân bón Mỹ, nhưng khi kiểm tra thì phát hiện hệ thống trang thiết bị máy móc chỉ là…chai lọ. Dù Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ 389 Quốc gia đã chỉ đạo các Bộ Công thương, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…phải sớm kiểm tra các vi phạm tại Công ty Thuận Phong để đề xuất biện pháp xử lý, nhưng việc thực hiện nhiệm vụ này của các bộ vẫn có phần chậm trễ.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Đại diện Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết, các đối tượng chủ yếu lợi dụng kẽ hở trong quy định pháp luật để trà trộn sản phẩm giá rẻ vào sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng rồi bán lẻ; ghi nhãn mác mập mờ, trên bao bì ghi là NPK 16-16-8, theo cách hiểu thông thường là nitơ 16%, lân 16%, kali 8%, nhưng ở dưới bao bì lại ghi thêm dòng chữ rất nhỏ thành phần chính nitơ 1%, lân 1,5% và kali 1%. Đây chính là phân bón giả, kém chất lượng, nhưng chỉ lực lượng chức năng mới phát hiện ra, còn người tiêu dùng khó phân biệt được. Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất phân bón lẽ ra phải dùng bột mỳ để làm chất kết dính thì lại dùng đất sét, bột đá. Điều đáng nói là nạn sản xuất phân bón giả, kém chất lượng mang lại cho những kẻ gian lận lợi nhuận rất lớn, nhưng khi bị phát hiện lại chỉ bị phạt hành chính, hoặc bị tước giấy phép, nên không đủ sức răn đe.
Thời gian qua, lực lượng QLTT đã kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường nội địa, đồng thời, tham mưu, kiến nghị và ban hành nhiều văn bản chính sách trong công tác QLTT đối với phân bón. Bên cạnh đó, Cục QLTT đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật liên quan đến việc phát triển sản xuất, đấu tranh chống SXKD phân bón giả, kém chất lượng; đề nghị DN sản xuất phân bón phối hợp cung cấp thông tin về các đối tượng vi phạm, hỗ trợ giám định xác định phân bón giả, kém chất lượng; đào tạo kỹ năng nhận biết phân bón giả, kém chất lượng…Tuy nhiên, do các quy định về thẩm quyền của lực lượng QLTT, hay sự không thống nhất về mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm; quy trình lấy mẫu, kiểm nghiệm phân bón mất nhiều thời gian; lực lượng QLTT mỏng, thiếu kinh nghiệm… khiến công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng còn nhiều khó khăn.
Để xử lý nghiêm các vi phạm SXKD phân bón giả, kém chất lượng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành chức năng; gắn trách nhiệm người đứng đầu BCĐ 389 tại các tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng các loại phân bón giả, kém chất lượng được mua bán công khai trên địa bàn mình phụ trách. Cục QLTT tiếp tục kiến nghị, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về phân bón; sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2013/CP (ngày 12/11/2013) của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón, vật liệu nổ công nghiệp và thẩm quyền của lực lượng QLTT; tiếp tục hoàn thiện đề án chống buôn lậu và SKXD phân bón giả, kém chất lượng; theo dõi, đôn đốc việc triển khai quyết liệt đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm. Bộ Công thương cần phối hợp với các ngành liên quan rà soát quy định về điều kiện SXKD, sàng lọc những DN không đủ điều kiện sản xuất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.