(HNM) - Với khát khao đặt chân tới miền đất hứa châu Âu để thoát khỏi tình trạng nghèo đói, bạo lực tại quê nhà, nhiều người dân di cư từ các quốc gia châu Phi đã dừng chân tại Ai Cập và tìm đến những kẻ buôn bán nội tạng để có chi phí trang trải cho chuyến đi của mình.
Dawitt rời khỏi Eritrea từ năm 13 tuổi để tránh phải nhập ngũ. Cậu được những kẻ đưa người vượt biên trái phép đưa qua Sudan đến Ai Cập, với hy vọng từ đó vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu. Chính tại xứ Kim tự tháp, Dawitt đã gặp một người đàn ông Sudan và được gợi ý một cách an toàn, dễ dàng để trả hết nợ và có đủ chi phí tìm tới châu Âu là bán thận. Cậu đã nghe theo bởi không còn sự lựa chọn nào khác...
Dawitt chỉ là một trong số hàng trăm nghìn hoàn cảnh éo le khác. Ước tính có ít nhất 250.000 người di cư châu Phi tại Ai Cập là nạn nhân của bọn buôn bán nội tạng. Lĩnh vực kinh doanh này, đặc biệt là bán thận ngày càng phát triển mạnh ở Ai Cập, một phần xuất phát từ việc Liên minh châu Âu (EU) siết chặt quy định với người tị nạn. Với mục tiêu rời khỏi Ai Cập và tới châu Âu bằng mọi giá, người di cư vô tình trở thành miếng mồi béo bở của những kẻ tội phạm đang săn tìm người cần tiền để vượt Địa Trung Hải. Dù số liệu do Ủy ban châu Âu (EC) công bố năm 2018 cho thấy, ngày càng ít người trốn sang châu Âu qua đường bờ biển phía Bắc Ai Cập, song việc đóng cửa biên giới đã đẩy nhiều người rơi vào đường cùng và gia tăng các mạng lưới tội phạm cực đoan.
Đã 8 năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Ai Cập là một trong 5 quốc gia có hoạt động buôn bán nội tạng diễn ra rầm rộ nhất thế giới. Đây cũng là quốc gia mà phần lớn các bộ phận nội tạng được lấy từ những người hiến tạng còn sống, trái ngược với những trường hợp lấy nội tạng từ người đã qua đời. Tổ chức Các giải pháp về vấn đề nội tạng (COFS) có trụ sở tại Washington (Mỹ) đã công bố nghiên cứu cho rằng, cộng đồng tị nạn châu Phi tại Cairo là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương.
Năm 2010, Ai Cập đã ban hành một đạo luật cấm buôn bán nội tạng, song điều này thậm chí khiến các giao dịch ngầm diễn ra mạnh mẽ hơn. Gần đây, với nỗ lực của nhà chức trách, một số vụ bắt giữ đã được thực hiện dù khó có thể triệt phá hoàn toàn các mạng lưới phi pháp này. Hồi tháng 7-2018, một tòa án ở Ai Cập đã kết án 37 người về các tội danh liên quan đến buôn bán bất hợp pháp các bộ phận cơ thể người với mức án từ 3 đến 15 năm tù. Bộ Y tế Ai Cập cho biết, trong một chiến dịch năm 2016, cảnh sát Cairo cũng bắt giữ tổng cộng 41 người, gồm cả một số bác sĩ, y tá và người làm trung gian môi giới khi điều tra hoạt động của các bệnh viện tư nhân và trung tâm y tế, nơi diễn ra các hoạt động cấy ghép và mổ lấy nội tạng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Hafez đã khẳng định, chính quyền và các cơ quan thực thi pháp luật nước này sẽ không bao giờ bỏ qua các hành động như buôn bán nội tạng. Cairo sẽ tiếp tục chống lại tội ác này để bảo vệ người dân Ai Cập và những người di cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.