Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nan giải tìm người giúp việc mùa dịch

Kim Vũ| 13/05/2021 06:22

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều học sinh phải ở nhà học bằng hình thức trực tuyến, kéo theo nhu cầu tìm người giúp việc trông trẻ và dọn nhà tăng cao. Cùng với đó, lao động giúp việc theo giờ cũng trở nên khan hiếm. Đặc biệt, với nhiều gia đình tại khu vực phải cách ly do có các trường hợp F0, F1, việc tìm kiếm người giúp việc càng trở nên nan giải.

Người giúp việc được thuê dọn dẹp nhà theo giờ tại gia đình chị Đinh Thu Huệ (khu chung cư Discovery, quận Cầu Giấy).

Người giúp việc "nghỉ việc"

Gần 2 tuần nay, mọi sinh hoạt của gia đình chị Đinh Thu Huệ (khu chung cư Discovery, quận Cầu Giấy) đảo lộn, chật vật vì vắng bóng người giúp việc. Chị Huệ có hai con học tiểu học, lại làm việc trong cơ quan nhà nước nên mọi việc từ đưa đón con đi học, lau dọn nhà cửa, nấu ăn… đều do người giúp việc đảm nhận. Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, người giúp việc về quê dự đám cưới, sau đó chưa quay trở lại nhà chị vì liên quan tới dịch Covid-19.

Tương tự, chị Hoàng Thùy (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cả tuần nay cũng phải nghỉ làm ở nhà trông con trai 10 tháng tuổi do người giúp việc bất ngờ bỏ về quê vì lo sợ dịch Covid-19 ở Hà Nội phức tạp. Cực chẳng đã, chị Thùy phải đăng tin tuyển giúp việc trên mạng; nhờ bạn bè, người thân giới thiệu giúp… Dù sẵn sàng trả lương đến 8 triệu đồng/tháng, nhưng chị vẫn chưa tìm được người giúp việc.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, giá thuê người giúp việc vẫn duy trì ổn định. Cụ thể, giúp việc theo giờ dao động từ 35.000 đến 50.000 đồng/giờ. Còn giúp việc ở cùng gia đình chủ khoảng từ 5,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/tháng; đối với trông người ốm, bệnh nhân thì giá từ 8 triệu đến 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện nay, tìm được người giúp việc gia đình không dễ. Nguyên nhân là nhiều người giúp việc lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên né tránh làm việc tại các gia đình.

"Ở Hà Nội hiện nhiều khu vực có người mắc Covid-19 nên tôi buộc phải tạm nghỉ một thời gian để tránh tiếp xúc, bảo đảm an toàn cho mình và gia đình", chị Trần Thị Hằng, ở xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) - người chuyên làm giúp việc theo giờ cho biết.

Nguồn cung lao động trở nên khan hiếm khiến nhiều gia đình loay hoay trong việc trông con nhỏ, làm việc nhà, chăm sóc người già bị bệnh...

Tìm giải pháp tình thế

Chị Nguyễn Thị Thúy, quản lý Công ty Giúp việc gia đình Hà Nội (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho biết, công ty luôn có danh sách 100 lao động giúp việc, nhưng đợt dịch Covid-19 lần này số lao động đã giảm một nửa. Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giải pháp tình thế là công ty kiểm tra kỹ sơ đồ vùng dịch tại Hà Nội, nếu khách hàng không ở khu vực nguy hiểm thì thuyết phục người giúp việc đang sinh sống tại khu vực gần đó đến làm theo giờ. Ngoài ra, công ty cũng công khai thông báo không nhận người giúp việc đến từ các nơi có ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 ở các tỉnh, thành phố, chỉ nhận người giúp việc sống tại Hà Nội để cung ứng lao động.

Tương tự, nhiều trung tâm giúp việc chỉ nhận giới thiệu người giúp việc cho chủ nhà không ở trong khu vực có dịch; hoặc đề nghị khách hàng gom nhóm từ 2 đến 3 trẻ tại một gia đình để bố trí người giúp việc tiện chăm sóc, tuy nhiên mức giá cao hơn thông thường. Theo chị Nguyễn Thu Hoài, quản lý khách hàng thuộc Trung tâm giúp việc 88 (quận Cầu Giấy), yêu cầu này rất khó khăn cho người giúp việc nhưng là giải pháp tình thế trong mùa dịch.

Một giải pháp khác là các khách hàng tự tìm kiếm người giúp việc từ các hội nhóm trên mạng như: Hội tìm người giúp việc gia đình Hà Nội; Hội giúp việc gia đình Hà Nội; Câu lạc bộ sinh viên giúp việc theo giờ Hà Nội... Anh Đỗ Tuấn Anh, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) cho biết: "Tôi đã vào nhóm “Câu lạc bộ sinh viên giúp việc theo giờ Hà Nội” và tìm được 1 sinh viên nhận làm theo giờ giá 40.000 đồng/giờ".

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Thị Thanh Liễu, trước đây, tại các phiên giao dịch việc làm của trung tâm có nhiều lao động mong muốn đi làm công việc lau dọn nhà cửa, chăm sóc bệnh nhân, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại thì số lượng lao động đăng ký làm giúp việc gia đình ngày một ít đi. "Việc người giúp việc đang làm cho các gia đình rồi đột ngột nghỉ việc là do giữa chủ nhà và người giúp việc mới chỉ có thỏa thuận bằng “miệng”, không có sự ràng buộc trách nhiệm", bà Vũ Thị Thanh Liễu nói.

Cũng theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, để không diễn ra tình trạng khó khăn tìm người giúp việc, cần hình thành một thị trường lao động đặc thù, có tính chuyên nghiệp. "Điều 89 Nghị định số 145/ 2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14-12-2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động nêu rõ, người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động bằng văn bản. Thực hiện tốt hành lang pháp lý sẽ ràng buộc trách nhiệm cả hai bên và góp phần hạn chế tình trạng người giúp việc tự ý nghỉ làm...", bà Vũ Thị Thanh Liễu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nan giải tìm người giúp việc mùa dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.