Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm nay, tăng cung tín dụng 12%

Vân An| 20/05/2013 10:41

(HNMO) – Đại diện Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội cho rằng, các giải pháp đối với chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện ngay.


Năm nay, tăng cung tín dụng 12%

Trong phiên làm việc đầu tiên tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII sáng nay, 20/5, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo với Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013

Theo Phó thủ tướng, việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo. Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng. So với số đã báo cáo Quốc hội, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi.

Về việc thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2013, theo Chính phủ, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế Quý I đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Lạm phát được kiềm chế, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực…

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều còn rất nhiều khó khăn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Tiến độ thu ngân sách nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt thấp….

"Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn", Phó thủ tướng nói.

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được đề ra, đồng thời xuất phát từ thực tiễn tình hình 4 tháng đầu năm, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Đáng chú ý, về điều hành kinh tế, Chính phủ sẽ điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa. Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Tăng cung tín dụng để góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế, điều hành ở mức tăng 12% cả năm 2013; tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Quản lý tốt hơn thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới; Phấn đấu giữ bội chi ngân sách như đã được Quốc hội thông qua (4,8% GDP).

Kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cần thiết; thu hồi các khoản vốn, kinh phí đã giao dự toán nhưng đến hết 30/6/2013 các Bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết. Xem xét tiếp tục ứng vốn trái phiếu Chính phủ đã giao giai đoạn 2012-2015 cho một số công trình quan trọng cấp bách hoàn thành trong năm 2013.

Tiếp tục thực hiện chủ trương điều chỉnh giá điện, than cho điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là hỗ trợ về thị trường, khuyến nông, chủ động đối phó với dịch bệnh, thiên tai.

Từ nay đến cuối năm, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương tái cơ cấu đầu tư đã đề ra. Thực hiện Kế hoạch đầu tư trung hạn 3 năm 2013-2015. Hoàn thành phê duyệt đề án tái cơ cấu và điều lệ tổ chức và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là các đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác cán bộ đối với DNNN.

Tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo Đề án và các phương án đã được phê duyệt; trong đó tập trung vào xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tiết kiệm chi phí; tăng cường việc giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm bảo đảm an toàn cho từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống. 


Cần có ngay các giải pháp tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu

Nhất trí với những đánh giá của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Theo nhiều ý kiến trong Ủy ban, sau một thời gian dài kiểm soát tăng trưởng tín dụng để ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản, một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa. Cùng với yếu tố năng suất tổng hợp của nền kinh tế chậm cải thiện do quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng mới chỉ bắt đầu, nếu không sử dụng hợp lý các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thì một mặt năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thể phục hồi nhanh, mặt khác sẽ gây áp lực lên lạm phát.

Dự báo năm 2013 nền kinh tế chưa có thêm nhiều sản phẩm mới có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu trong khi đó dự báo giá cả thế giới sẽ giảm so với năm 2012 nên kim ngạch xuất khẩu 2013 khó có sự bứt phá mạnh. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp đối với chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện ngay, việc linh hoạt các chính sách phải theo diễn biến và liều lượng thích hợp, kiên định và nhất quán với mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô.

Một số ý kiến cho rằng, tổng cầu của nền kinh tế đang thấp, dự báo giá hàng hóa thế giới cũng không có biến động lớn, nên áp lực lạm phát năm 2013 là không cao. Do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 có khả năng đạt được nên trong những tháng còn lại của năm 2013 chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% như Nghị quyết của Quốc hội.

Ủy ban cũng cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp bổ sung cần tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2013 trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án hoặc kế hoạch triển khai cụ thể về mục tiêu, chỉ tiêu, hạn định thời gian và các biện pháp mạnh hơn nhằm giảm hàng hóa tồn kho và giảm nợ xấu, các giải pháp cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý và các giải pháp hỗ trợ, khai thông thị trường bất động sản theo chủ trương đã ban hành.

Rà soát lại tổng thể các dự án đầu tư công, đánh giá việc cắt giảm, dừng thi công để có điều chỉnh hợp lý, hạn chế gây ra tổn thất lớn và sự mất cân đối trong việc thực hiện đồng bộ qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương; đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để phát huy hiệu quả của dự án đầu tư sau khi rà soát; đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế; đồng thời có phương án xử lý nhanh các khoản nợ đọng, đặc biệt là nợ đọng đối với doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản.

Thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách thu NSNN, tránh giảm thu quá lớn; đồng thời cần đánh giá lại cơ cấu thu NSNN.

Sớm ban hành Đề án tái cơ cấu đầu tư công gắn với cải cách thể chế, đổi mới phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhằm thay đổi rõ rệt phương thức phân bổ nguồn lực công, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Rà soát, điều chỉnh các quy định về sở hữu của các tổ chức tín dụng, giám sát hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất, không gây xáo trộn trong hệ thống tổ chức tín dụng và đảm bảo an toàn tiền gửi của người gửi tiền; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trích đủ dự phòng rủi ro và đảm bảo nguồn tự xử lý nợ xấu phát sinh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm nay, tăng cung tín dụng 12%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.