(HNMO) – Sáng nay, 13/7, kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã được khai mạc trọng thể. Kỳ họp này tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô 6 tháng đầu năm và quyết nghị những nhiệm vụ quan trọng 6 tháng cuối năm.
Tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang nghị đã tới dự.
Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá, 6 tháng qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội Hà Nội vẫn giữ được đà tăng trưởng, một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản vẫn đạt mức khá, nhưng tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững như lạm phát, giá cả tăng cao, tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường chưa giảm, kỷ cương kỷ luật của một bộ phận cán bộ còn yếu…
Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, tại kỳ họp này, ngoài việc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô 6 tháng đầu năm và quyết nghị những nhiệm vụ quan trọng 6 tháng cuối năm và các báo cáo thường kỳ khác, các đại biểu sẽ cùng quyết nghị tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội 5 năm 2011-2015.
Sau phát biểu khai mạc kỳ họp, các đại biểu HĐND Thành phố đã nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; báo cáo dự toán thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; các báo cáo công tác của các cơ quan thuộc HĐND Thành phố và UBND Thành phố; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội 5 năm 2011-2015…
GDP Hà Nội năm 2011 có thể đạt 10%
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, sản xuất và đời sống gặp nhiều khó khăn, tình hình Biển Đông và trên thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế của Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng khá; an sinh xã hội được tiếp tục được bảo đảm; sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế tiếp tục đạt kết quả tốt; công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường; nông nghiệp và hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư phát triển; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016…
Đáng chú ý, tốc độ gia tăng GDP 6 tháng của Hà Nội ước tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2010; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.259 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2010, cao hơn chỉ tiêu đề ra là 14%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 12.549,6 triệu USD, tăng 23% so cùng kỳ; Tổng vốn đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 77.155 tỷ đồng, tăng 12,6% so với 6 tháng đầu năm 2010…
Về tình hình thực hiện thu – chi ngân sách, theo UBND Thành phố, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá, ước 6 tháng đầu năm 2011 đạt 61.130 tỷ đồng, bằng 52,9% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó, thu nội địa không kể dầu thô là 53.803 tỷ đồng, đạt 52,9% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2010; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 4.920 tỷ đồng, đạt 46,4% dự toán năm; thu từ dầu thô 2.407 tỷ đồng, đạt 75,2% dự toán năm. Nhiều chỉ tiêu đạt khá và cao như thu từ DN nhà nước địa phương, DN có vốn đầu tư nước ngoài, thu thuế nhà đất, thuế trước bạ, tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước….
Về chi ngân sách địa phương, 6 tháng đầu năm ước đạt 14.883,3 tỷ đồng, đạt 34,1% dự toán năm (dự toán 43.614,32 tỷ đồng), tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2010. Đáng chú ý, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 5.633,5 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán, bằng 95,3% so với cùng kỳ năm 2010 (trong đó, chi đầu tư XDCB ước thực hiện 5.401,8 tỷ đồng, đạt 30,5% dự toán năm, bằng 94,7% so với cùng kỳ năm 2010); chi thường xuyên ước đạt 8.630,34 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán (năm 2010 đạt 47%). Tuy nhiên, công tác giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2011 chỉ đạt 30,9%, là năm có tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm chậm so với năm trước.
Về tiết kiệm chi thường xuyên, Thành phố đã thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên 9 tháng còn lại năm 2011 và tạm dừng mua sắm tài sản cho các đơn vị dự toán ngân sách và các quận, huyện, thị xã ; trong đó: tổng số tiết kiệm thêm là 368,3 tỷ đồng (ngân sách Thành phố là 95,5 tỷ đồng, ngân sách quận, huyện, thị xã 184,8 tỷ đồng; kinh phí tạm dừng mua sắm ô-tô, điều hòa nhiệt độ, tài sản có giá trị lớn, cải tạo sửa chữa chống xuống cấp trụ sở các cơ quan đơn vị số tiền là 88 tỷ đồng). Các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai và đạt kết quả thực hiện tiết kiệm chi tiêu vượt 10.895 triệu đồng.
Công tác giải quyết việc làm cũng được chú trọng. 6 tháng đầu năm đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm cố định tại 2 trung tâm giới thiệu việc làm và 01 phiên lưu động với sự tham gia của 1.691 đơn vị, doanh nghiệp, tuyển dụng là 10.340 lao động. Ước thực hiện 6 tháng 2011, giải quyết việc làm cho 68.800/137.000 người, đạt 50,2% kế hoạch; xét duyệt 830 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm với số tiền 84 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.700 lao động.
Dự báo 6 tháng còn lại của năm 2011, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, những diễn biến kinh tế thế giới và trong nước còn rất khó khăn, thách thức đối với kinh tế Thủ đô là rất lớn. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 là 12% và cao hơn, đặt ra nhiệm vụ 6 tháng còn lại phải tăng ít nhất 14,3%.
“Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, vì Thành phố phải đồng thời hoàn thành 2 mục tiêu: tăng trưởng cao nhưng vẫn phải tập trung nguồn lực để kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội”, Phó chủ tịch nói.
Với đà tăng trưởng hiện tại, ước tính năm 2011, GDP cả năm của Hà Nội dự báo sẽ tăng khoảng 10%, không đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cũng không dễ đạt, đòi hỏi các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô phải nỗ lực cao triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định từ đầu năm trong các chương trình của Thành phố.
Chiều nay, các đại biểu HĐND Thành phố sẽ thảo luận tại tổ về các nội dung của bản báo cáo này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.