Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nam bệnh nhân ở Hà Nội phải lọc máu cấp cứu do ngộ độc methanol

Thu Trang| 07/04/2023 10:17

(HNMO) - Sáng 7-4, theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội), tại đây vừa cấp cứu cho một nam bệnh nhân bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) với tiên lượng rất nặng. Kết quả xét nghiệm, nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao, phải lọc máu cấp cứu.

Bệnh nhân này 56 tuổi, ở Hà Nội, có tiền sử nghiện rượu. Bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Đông Anh) vào ngày 5-4 trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái, chân tay lạnh, tiểu tiện không tự chủ.

Bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Bác sĩ sau khi thăm khám đã nhanh chóng chỉ định đặt ống nội khí quản, đồng thời chụp CT sọ não đánh giá tổn thương thần kinh, làm các xét nghiệm tổng quát và xét nghiệm khí máu cho bệnh nhân.

Kết quả xét nghiệm khí máu cho thấy, có tình trạng toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc cấp methanol tiên lượng rất nặng và được chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol trong máu rất cao, phải lọc máu cấp cứu.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo, từ đầu năm 2023 đến nay, theo báo cáo của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có ca tử vong.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các trường hợp ngộ độc methanol chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên nhân là uống rượu kém chất lượng có pha methanol và uống phải cồn y tế bị làm giả, với thành phần ethanol bị thay thế thành cồn công nghiệp methanol.

Theo Bộ Y tế, methanol là một loại cồn công nghiệp, có công thức hóa học là CH3OH. Methanol được sử dụng để làm dung môi pha sơn, dung dịch tẩy rửa, nước hoa, chất chống đông lạnh... Methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, ngọt, dễ uống hơn.

Vì có độc tính cao với cơ thể nên methanol chỉ được sử dụng với một lượng hạn chế trong công nghiệp và không được dùng làm rượu thực phẩm để uống như ethanol. Tuy nhiên, trong một số loại rượu giả, rượu tự pha chế vẫn có pha methanol lẫn với ethanol. Nếu uống phải loại rượu này sẽ gây ra ngộ độc methanol, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc đến sức khỏe, như: Gây mù, hôn mê, di chứng não, suy đa cơ quan… Thậm chí, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc có thành phần methanol. Những loại rượu này có mùi vị rất giống với rượu ethanol thông thường, biểu hiện sau khi uống vào cũng rất khó phân biệt.

Cảnh báo rượu giả pha methanol gây hại cho người sử dụng. Ảnh minh họa

Về nhận diện, theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, theo khuyến cáo của các bác sĩ, người tiêu dùng nên hạn chế uống rượu, chỉ uống những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu sau khi uống rượu có những dấu hiệu đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, nhìn mờ, cần phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nam bệnh nhân ở Hà Nội phải lọc máu cấp cứu do ngộ độc methanol

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.