Xã hội

Năm 2050, 50% cơ sở đại học đào tạo thương mại điện tử

Lam Giang 05/12/2023 - 18:02

Ngày 5-12, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức hội thảo đào tạo thương mại điện tử 2023.

5.12-tmdt-2.jpg
Diễn giả thông tin về tình hình phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo về đào tạo thương mại điện tử 2023. Báo cáo được xây dựng từ số liệu khảo sát của 238 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, từ tháng 8 đến tháng 10-2023.

Theo đó, đã có 47% trường đào tạo học phần thương mại điện tử, trong đó có tới 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử.

Mục tiêu đến hết năm 2025, có 50% cơ sở giáo dục đại học đào tạo thương mại điện tử là khả thi nếu có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các trường với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho hay, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử đóng vai trò quyết định cho việc phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, hiện nay, chính sách cho đào tạo thương mại điện tử chưa đủ mạnh. Một phần do chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Thêm nữa, các trường đại học, tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa nắm vững các chủ trương và quy định đã ban hành.

Do đó, VECOM khuyến nghị các trường bổ sung nội dung đào tạo pháp luật liên quan tới thương mại điện tử.

5.12-tmdt.jpg
Các cơ sở đào tạo cần tăng chương trình thương mại điện tử. Ảnh minh họa internet

Chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử nên có các học phần liên quan tới tiếp thị số, thanh toán trực tuyến, logistics với số tín chỉ hợp lý.

Mỗi trường nên có chương trình đào tạo với sự độc đáo, khác biệt. Như trường có thế mạnh về kinh tế - thương mại quốc tế nên tăng cường môn thanh toán quốc tế, hải quan, xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới. Các trường mạnh về kinh tế - thương mại trong nước có thể chú trọng môn học về thương mại xã hội, logistics số…

Mặt khác, các trường đại học nên nhanh chóng công bố chương trình đào tạo nói chung và ngành thương mại điện tử nói riêng. Việc công khai này giúp các trường tham khảo chương trình đào tạo của nhau, từ đó sửa đổi để tạo ra sự đặc sắc, khác biệt, tạo ra lợi thế cạnh tranh khi tuyển sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2050, 50% cơ sở đại học đào tạo thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.