Tài chính

Tăng hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử

Hương Thủy 06/01/2024 - 06:59

Thời gian qua, số thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tăng đáng kể qua từng năm, đóng góp hiệu quả vào ngân sách nhà nước. Để quản lý thuế đối với lĩnh vực này tốt hơn, ngành Thuế sẽ triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới.

nop-thue.jpg
Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Ba Đình (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm

Gia tăng thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, 10 tháng năm 2023, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam đạt 536,5 tỷ đồng. Với các nhà cung cấp nước ngoài, tính đến hết tháng 10-2023, đã có 74 tổ chức, cá nhân đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, trong đó bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu, có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu như: Google, Meta, Microsoft, Tiktok... Đến nay, tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 11.498 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số thu thuế với lĩnh vực này có bước tăng trưởng đáng kể. Nếu như tổng thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trên toàn quốc năm 2021 là 261 tỷ đồng thì năm 2022 đạt 716 tỷ đồng, bằng 274% số thu năm 2021. Còn từ khi triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (ngày 21-3-2022) đến hết tháng 6-2023, các nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp 7.422 tỷ đồng, trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2023 thu hơn 3.900 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, để có kết quả trên, ngành Thuế đã phối hợp với các địa phương, ngân hàng thương mại, khai thác thông tin, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc truy thu. Bên cạnh Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, ngành Thuế cũng đưa vào hoạt động Cổng thông tin thương mại điện tử vào cuối năm 2022. Sau 4 kỳ cung cấp thông tin, Cổng thông tin thương mại điện tử đã ghi nhận 357 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được chú trọng.

Song song với việc hiện đại hóa việc quản lý, Tổng cục Thuế tiếp tục mở rộng các dịch vụ thuế điện tử bao gồm: Khai thuế, nộp thuế điện tử, hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế nói chung, người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử nói riêng trong việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước...

Xây dựng mô hình quản lý rủi ro

Tổng cục Thuế cho biết, với lĩnh vực thương mại điện tử, thực tế cho thấy có nhiều khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, bởi phương thức mua bán, giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện trực tuyến, kết nối mạng internet toàn cầu. Người mua, người bán không cần có sự tiếp xúc trực tiếp, không cần địa điểm kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc tiếp cận hỗ trợ, hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài hiểu và chấp hành đúng pháp luật thuế của Việt Nam do họ không hiện diện tại Việt Nam...

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, ngành Thuế đã có nhiều cải cách trong quản lý thuế, đặc biệt là với lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, để thu thuế thương mại điện tử hiệu quả hơn, ngành Thuế cần tiếp tục rà soát, bổ sung quy định, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý người mua, bán, dòng tiền, doanh thu...

Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2024, đơn vị sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế và các văn bản dưới luật nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc khai thuế, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế của các chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, như: Chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán...

Đáng chú ý, ngành Thuế nghiên cứu xây dựng công cụ tự động thu thập dữ liệu kinh doanh theo hình thức trực tuyến qua các kênh website, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử từ các nguồn thông tin của người nộp thuế, thông tin của cơ quan thuế, thông tin từ kết quả thanh tra, kiểm tra và thông tin từ bên thứ ba (các cơ quan, tổ chức khác). Đồng thời, cơ quan thuế sẽ xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.

Đặc biệt, cơ quan thuế tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động thương mại điện tử; trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán để nắm bắt thông tin về các cá nhân, tổ chức có kinh doanh thương mại điện tử; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước trong việc chia sẻ, kết nối dữ liệu nhằm nâng cao công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.