(HNM) - Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ mới đây đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ vì không nắm bắt kịp thời những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của thị trường này. Rõ ràng việc nắm bắt thị trường của các doanh nghiệp là vấn đề không thể xem nhẹ.
Do không nắm bắt kịp thời những thay đổi chính sách xuất khẩu, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Huy Hùng |
Bị động và lệ thuộc
Xuất khẩu nông sản Việt Nam những năm qua chuyển biến tích cực, nhiều mặt hàng nông sản luôn giữ vị trí số 1 thế giới về lượng. Đặc biệt, một số mặt hàng đã dần khẳng định được giá trị, thương hiệu… Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, việc xuất khẩu nông sản hiện còn mang tính bị động, doanh nghiệp Việt Nam thiếu hiểu biết về thị trường đối tác. Ví dụ điển hình nhất là việc trong 7 tháng qua, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với những doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ vì không nắm được những thông tin về thay đổi chính sách tại thị trường nước này.
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), bên cạnh những thị trường truyền thống, Mỹ là một trong những thị trường tiềm năng về xuất khẩu nông sản của nước ta. Là một trong 15 đối tác thương mại nông nghiệp lớn nhất của Mỹ, năm 2016, chỉ riêng mặt hàng cá, tôm, cua của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đã đạt 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ ngày càng khó bởi các quy định về Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA). Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam rất ít thông tin về luật này.
Ông Tuấn cho biết, điểm chính trong điều luật mới FSMA là chuyển từ đối phó nhiễm bẩn thực phẩm sang phòng chống nhiễm bẩn thực phẩm. Luật này không chỉ quan tâm đến kiểm tra chất lượng mà còn quy định chi tiết, chặt chẽ cả chuỗi sản xuất thực phẩm. Luật cũng yêu cầu nhà nhập khẩu phải tham gia Chương trình kiểm tra nhà cung ứng nước ngoài (FSVP); đồng thời bên chế biến phải có một cá nhân được học về FSMA theo chương trình do FDA công nhận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ cần đăng ký lại với FDA sau 2 năm và bắt đầu đăng ký lại từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, những quy định mới của luật này vẫn chưa đến được với hơn 1.000 công ty Việt Nam nên các đơn vị này không nằm trong danh sách được xuất khẩu vào thị trường Mỹ do không biết cần phải đăng ký lại…
Không riêng thị trường Mỹ, nhiều thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam như: Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng có những quy định cụ thể về tiêu chí chất lượng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa chủ động tìm hiểu, dẫn đến thiếu thông tin nên rơi vào tình thế bị động trong hoạt động xuất khẩu… Ngoài ra, vai trò của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành liên quan cũng rất quan trọng. Chia sẻ vấn đề này, Giám đốc Công ty Gạo Trung An Phạm Thái Bình cho rằng, Bộ Công Thương cần thường xuyên cập nhật thông tin mới về quy định, điều khoản xuất khẩu tại thị trường quốc tế. Hiện, việc cập nhật chính sách mới của các cơ quan quản lý còn chưa kịp thời, trong khi có loại thông tin về xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ được tiếp cận qua những cơ quan này.
Ở góc độ khác, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam Đinh Quyết Tâm nhận định: Vai trò các hiệp hội cũng rất quan trọng, bởi đây là kênh thông tin cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đơn cử, vừa qua Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam đã chủ động liên hệ với các nhà nhập khẩu và cơ quan quản lý Mỹ để xuất khẩu 1 tấn ong đến thị trường này. Để khả thi, sản phẩm ong Việt Nam cần qua 25 lần kiểm tra. Thông tin này đã được Hiệp hội thông báo cho các doanh nghiệp để họ chủ động đáp ứng yêu cầu của đối tác…
Nâng cao vai trò quản lý
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị của Việt Nam. |
Trước những thay đổi về chính sách xuất khẩu vào Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai các biện pháp cần thiết. Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền để doanh nghiệp nắm bắt những quy định mới nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao giá trị các mặt hàng xuất khẩu. Về chi tiết mới này, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Duy Khiên cho biết, Bộ đã thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp; đồng thời Bộ kết hợp chặt chẽ với các tham tán, thương vụ tại nước ngoài liên tục cập nhật thông tin, chính sách mới nhất, giúp doanh nghiệp định hướng phù hợp và hướng dẫn doanh nghiệp các biện pháp điều chỉnh khi có thay đổi từ phía đối tác. Tuy nhiên, với doanh nghiệp, việc chủ động nghiên cứu thị trường cần được coi là chiến lược trong kinh doanh, bởi đây là yếu tố nền tảng để doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất và xuất khẩu đáp ứng đúng nhu cầu thị trường…
Về phía Bộ NN&PTNT, Phó Cục trưởng Thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với cơ quan liên quan thông báo kịp thời những thay đổi, quy định mới về điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ; đồng thời, định hướng việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quá trình sản xuất. Về chiến lược, Bộ NN&PTNT tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn”. Tính đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 695 mô hình điểm về chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; trong đó, 333 chuỗi đã qua giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm.
Như vậy, bên cạnh việc tích cực nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, việc nghiên cứu, nắm bắt cơ chế, chính sách, thị trường phía đối tác phải được doanh nghiệp xác định là yếu tố quan trọng. Khi đã chủ động, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả như mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.