(HNNN) - Với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, người dân để ghi nhận tác động của chuyển đổi số đến cuộc sống của mỗi cá nhân, các ngành, nghề trong xã hội hiện nay.
Tiến sĩ Trần Quang Diệu, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Tận dụng sức mạnh sẵn có để tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số có thể tạo ra lợi thế cho những nước đi sau như Việt Nam so với các nước phát triển do không bị hạn chế bởi quy mô cồng kềnh, quán tính lớn; tạo điều kiện cho Việt Nam bứt phá nhanh chóng, vượt qua các quốc gia khác cho dù xuất phát sau.
Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang phải chạy hai tốc độ, một mặt theo tốc độ của nền kinh tế tri thức thời đại chuyển đổi số, một mặt theo tốc độ thực hiện giảm nghèo và phát triển toàn diện, giữ vững ổn định, nhất là ở khu vực nông thôn. Việt Nam cần tận dụng sức mạnh sẵn có, nắm lấy cơ hội để tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 và thích ứng chuyển đổi số, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để làm được điều này, cần hình thành một tầm nhìn toàn diện và thống nhất mang tính toàn cầu về cách thức công nghệ tác động tới cuộc sống cũng như định hình lại môi trường kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam. Cần giải quyết những thách thức và vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội và môi trường còn tồn đọng hiện nay như tỷ lệ lao động nông thôn, nông nghiệp kỹ năng thấp còn cao (chiếm khoảng 70% dân số), kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh tế phát triển bền vững của Chính phủ, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng tận dụng cơ hội và thế mạnh để đột phá vươn tầm quốc tế, vượt lên thách thức mới với đội ngũ lao động có kỹ năng, trình độ đẳng cấp quốc tế trong các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ mới, hiện đại theo đặc trưng của quá trình chuyển đổi số.
Bác sĩ Tô Văn Tý, Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức (Mỹ Đức - Hà Nội):
Chuyển đổi số giúp giảm tải công việc cho cả bệnh nhân và bác sĩ
Trong ngành Y, công nghệ 4.0 đã trở nên nổi bật, các ứng dụng công nghệ thông tin đã được tăng cường áp dụng, tạo ra những bước đột phá mới trong khám, chữa bệnh và quản lý bệnh nhân. Lợi ích rõ ràng nhất của công nghệ số chính là cải thiện hiệu quả việc chẩn đoán bệnh, giảm tối đa các lỗi do con người gây ra, tăng độ chính xác và quản lý dòng bệnh nhân tốt hơn. Nhiều ứng dụng công nghệ đã được khai thác để tăng khả năng tiếp cận giữa người bệnh và các dịch vụ y tế và đã thực sự mang lại hiệu quả, đặc biệt là trong tình huống dịch bệnh, như Trung tâm y tế từ xa (Tele-ICU). Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang triển khai các ứng dụng như ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, y tế từ xa (telemedicine), xếp hàng điện tử, thẻ điện tử thanh toán viện phí..., giúp quá trình quản lý bệnh viện được minh bạch hóa, giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian khám, chữa bệnh, giảm thời gian chờ khám, giảm thời gian chờ mua thuốc, giảm thời gian làm thủ tục xuất viện...
Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức hiện đang thực hiện đồng bộ bệnh án điện tử được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, bắt đầu từ tháng 10, bệnh viện đã triển khai xét nghiệm Realtime - PCR, giúp nhân dân đỡ phải chờ đợi lâu, không phải ra CDC Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông như trước đây. Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, bệnh viện sẽ đưa vào vận hành hệ thống chụp CT scanner gửi thẳng về các bệnh viện tuyến Trung ương để chẩn đoán bệnh, hệ thống lọc thận nhân tạo phục vụ trực tiếp cho người bệnh trên địa bàn huyện.
Ông Đoàn Quang Cường, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm:
“Vũ khí” quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cùng với việc triển khai nghiêm túc quy định “5K” và đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch được coi là “vũ khí” quan trọng giúp nhanh chóng phát hiện, kiểm soát và chặn đứng nguồn lây trong cộng đồng. Xác định rõ điều này, UBND quận Hoàn Kiếm đã và đang chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp công nghệ, nhất là trong hoạt động khai báo y tế và truy vết người nghi nhiễm Covid-19.
Cụ thể, UBND quận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban ngành, UBND các phường thuộc quận đẩy mạnh triển khai quét mã QR phục vụ công tác truy vết, phòng, chống dịch Covid-19 (riêng từ tháng 5-2021 đến nay đã có 5 văn bản chỉ đạo triển khai riêng về nội dung này). Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, các phòng, ban ngành, UBND các phường thuộc quận cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn (bằng các hình thức như phát thanh, phát tờ gấp hướng dẫn...) các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và nhân dân quét mã QR khi tham gia các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; yêu cầu 100% các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu...) phải lập QR code và tổ chức thực hiện để 100% người ra vào các điểm kinh doanh, dịch vụ thực hiện quét mã QR khai báo y tế theo quy định. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Hiện có hơn 2.000 cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quận đã triển khai thực hiện việc quét mã QR.
Bên cạnh đó, các phòng, ban ngành, UBND 18 phường thuộc quận cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là việc thực hiện quét mã QR code tại các điểm kinh doanh, dịch vụ, kiên quyết xử lý đối với các điểm kinh doanh, dịch vụ đã được hướng dẫn, nhắc nhở nhưng vẫn không thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.