Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nam Á trước nguy cơ đánh mất lợi thế cạnh tranh

Đình Hiệp| 28/11/2014 06:22

(HNM) - Với chủ đề

Hội nghị Thượng đỉnh SAARC lần thứ 18 thảo luận nhiều vấn đề nóng của khu vực Nam Á.



Với sự tham dự của lãnh đạo 8 quốc gia thành viên và đại diện 9 quan sát viên, Hội nghị đã tập trung thảo luận một loạt vấn đề "nóng" của khu vực như thúc đẩy hợp tác và lòng tin giữa các nước thành viên, thiết lập khu vực thương mại tự do, đối phó với nạn ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên… Các nhà lãnh đạo SAARC đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ để phát triển bền vững. Với vị thế là cường quốc về khoa học - công nghệ ở khu vực, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nền văn minh sông Hằng sẵn sàng phát triển một vệ tinh dành riêng cho khu vực vào năm 2016. Trên cơ sở đó, Ấn Độ sẽ chủ trì một hội nghị vào năm 2015 với sự tham gia của tất cả đối tác Nam Á nhằm ứng dụng công nghệ vũ trụ vào quản lý và phát triển kinh tế. Thủ tướng N.Modi còn đưa ra một loạt cam kết thúc đẩy phát triển thông qua các nỗ lực hội nhập trong khu vực, gồm hỗ trợ tài chính cho hạ tầng cơ sở, đồng bộ hóa thuế hải quan tại biên giới, cấp thị thực kinh doanh thời hạn 3 đến 5 năm cho các nhà đầu tư, áp dụng thẻ thông hành trong khu vực...

Đồng tình với quan điểm của Ấn Độ, Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa nhấn mạnh nỗ lực "ngoại giao vũ trụ" để thúc đẩy quan hệ giữa các thành viên SAARC. Tổng thống M.Rajapaksa cho rằng, ứng dụng công nghệ vũ trụ trong viễn thông và quản lý thiên tai sẽ mang lại lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của SAARC. Tuy nhiên, đến nay trong 8 nước thành viên SAARC mới chỉ có Ấn Độ và Pakistan phóng vệ tinh lên vũ trụ. Thủ tướng Pakistan Nawar Sharrif cho rằng tình trạng kém phát triển ở Nam Á liên quan chặt chẽ tới tình trạng thiếu hụt năng lượng. Vì thế, các thành viên SAARC cần chú trọng khai thác nguồn năng lượng trong nước cũng như các đường ống dầu khí xuyên khu vực; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chính sách tập trung vào con người, qua đó thúc đẩy hội nhập khu vực...

SAARC thành lập năm 1985, gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Maldives, Pakistan và Sri Lanka. Thế nhưng lịch sử thành công của SAARC lại phụ thuộc nhiều vào "thái độ" của hai thành viên trọng yếu là Ấn Độ và Pakistan trên nhiều khía cạnh, từ an ninh tới kinh tế; đặc biệt là Ấn Độ với hơn 2/3 diện tích, 1/2 dân số và gần 4/5 GDP của SAARC. Trong bối cảnh căng thẳng dai dẳng giữa hai quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan chưa có dấu hiệu chấm dứt, nước chủ nhà Nepal đã nỗ lực để dàn xếp cuộc gặp cấp cao bên lề SAARC giữa Thủ tướng N.Modi và người đồng cấp N.Sharif. Nhưng cuộc gặp được trông đợi đã không diễn ra. Sở dĩ Nepal muốn Ấn Độ và Pakistan "xích lại gần nhau" hơn là vì SAARC đang cần tiếng nói chung để thông qua các hiệp ước về tự do hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách cũng như xây dựng các tuyến đường sắt xuyên khu vực.

Tạm gác lại những bất đồng, một thực tế đáng ghi nhận là Nam Á ngày càng được thế giới nhìn nhận đúng với vị thế lịch sử địa - chiến lược vốn có của khu vực. Hầu hết cường quốc hiện đại đều đang tranh giành ảnh hưởng tại đây cho thấy nhận định trên là đúng. Cách đây 16 năm, các nhà lãnh đạo SAARC đã đưa ra một lộ trình đầy tham vọng gồm ba giai đoạn: Thành lập một khu vực mậu dịch tự do; một liên minh hải quan và một liên minh kinh tế rộng lớn vào năm 2020. Thế nhưng đến nay, "giấc mơ Nam Á" vẫn chưa thành hiện thực khi vẫn là vùng kém phát triển thứ hai của thế giới sau khu vực Nam sa mạc Sahara ở Châu Phi. Đã quá rõ để nhận ra rằng, nếu không có sự kết nối và đồng thuận giữa các thành viên SAARC, Nam Á sẽ không chỉ đánh mất lợi thế cạnh tranh tại châu lục mà còn trên phạm vi toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nam Á trước nguy cơ đánh mất lợi thế cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.