(HNMO) - Ngày 3-1, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND, về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2023.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trinh phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố giai đoạn 2020-2025 đã được UBND thành phố phê duyệt; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội trong tình hình mới hậu Covid-19; đồng thời đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi sản xuất cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu trong năm 2023 có khoảng 950 doanh nghiệp (tăng khoảng 20 doanh nghiệp so với năm 2022) hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội; trong đó có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16-17% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội và chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng trên 11-12% (tăng khoảng 1% so với năm 2022).
Để thực hiện điều này, kế hoạch đưa ra 4 nội dung để thực hiện như hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệp linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu…
Đáng chú ý ở nội dung kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Thực hiện nội dung này thông qua việc thuê chuyên gia tư vấn để trực tiếp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật (tư vấn chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, quản lý và phát triển sản phẩm…); tổ chức 2 hội chợ chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ năm 2023 với quy mô khoảng 200-300 gian hàng/hội chợ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…). Kinh phí để thực hiện kế hoạch từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Kế hoạch cũng giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.