(HNMO) - Báo cáo tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, khai mạc sáng 21-11, cho thấy, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, song tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Thủ đô ước đạt 8,8%, với 22/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây
Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải trình bày cho thấy, năm 2022, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thành phố đã hoàn thành mục tiêu tổng quát. Trong đó, kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8%, đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách ước vượt 6,8% dự toán, bảo đảm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, chi bảo đảm an sinh xã hội.
Thành phố cũng đã thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch; khôi phục lại các hoạt động thương mại, du lịch; thực hiện hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dung. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao hai con số, ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, dự kiến cả năm 2022, thành phố sẽ hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đáng chú ý, trong 22 chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,8% (kế hoạch là 7-7,5%); GRDP/người đạt 142,3 triệu đồng (kế hoạch là 139-141 triệu đồng); tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện đạt 13,8% (kế hoạch là 10,5%); tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt 11,9% (kế hoạch là 5%)...
Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế, thành phố cũng đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích. Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được tiếp tục quan tâm; Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang được đẩy nhanh tiến độ.
Các chính sách an sinh xã hội của thành phố tiếp tục được bảo đảm; công tác tạo việc làm cho người lao động, công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú trọng… Đến nay, 100% số xã và 15/18 huyện, thị xã của Thủ đô đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong khi đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội của Thủ đô trong năm 2022 tiếp tục được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được mở rộng và hiệu quả được nâng cao…
“Những kết quả này đã thể hiện sự sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong việc nỗ lực hoàn thành những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thủ đô”, đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Giữ vững các cân đối lớn, tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, trong năm 2023, thành phố đặt mục tiêu giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng. Thành phố cũng tiếp tục cơ cấu lại kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô.
Đáng chú ý, thành phố cũng sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội.
Song hành với đó, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Cùng với đó, sẽ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy nhanh công tác quy hoạch.
Đặc biệt, thành phố sẽ tiếp tục cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội.
Năm 2023, thành phố cũng sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đặt ra những mục tiêu chủ yếu để tiếp tục đưa kinh tế Thủ đô đạt được tăng trưởng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Dự kiến, năm 2023, thành phố sẽ đề ra 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, GRDP tăng khoảng 7%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022...
Để thực hiện các chỉ tiêu trên, thành phố đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Thành phố cũng tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội.
Trong năm 2023, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đẩy nhanh công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, thành phố sẽ triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ; tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.