(HNM) - Thị trường vàng trong nước vừa trải qua một năm biến động mạnh, giá vàng tăng tới hơn 30%. Năm 2021, nhiều chuyên gia dự báo diễn biến giá kim loại quý này có thể còn tăng nhưng không quá mạnh. Và dù giá vàng có biến động thì cũng không tác động đến kinh tế vĩ mô.
Biến động mạnh nhưng thị trường không xáo trộn
Giá vàng trong nước vừa trải qua năm 2020 biến động mạnh theo xu hướng đi lên. Đáng chú ý, vào thời điểm tháng 8, giá tăng đột biến, có ngày tới 2-3 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, ngày 7-8-2020, giá vàng chạm mức cao nhất trong lịch sử là 62,4 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá kim loại quý thế giới vượt mốc 2.000 USD/ounce, lên mức 2.077 USD/ounce. Sau khi lập mức đỉnh trên, giá vàng sụt giảm mạnh xuống 57,7 triệu đồng/lượng và xoay quanh mốc 56,5 triệu đồng/lượng. Những tháng cuối năm 2020, sự lạc quan về sản xuất thành công vắc xin ngừa Covid-19 đã kéo giá vàng thế giới đi xuống, giá kim loại quý trong nước ở mốc 56 triệu đồng/lượng. Tính chung cả năm 2020, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 13,6 triệu đồng/lượng so với đầu năm, tương đương mức tăng 31,5%.
Theo Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu Nguyễn Thị Luyến, giá vàng trong nước tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Năm 2020, giá vàng thế giới tăng khoảng 30%, nguyên nhân chính là dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Đáng mừng là giá vàng có thời điểm tăng - giảm rất mạnh, nhưng trật tự thị trường vẫn được bảo đảm, không xuất hiện tình trạng người dân xếp hàng giao dịch. Đặc biệt, bất chấp giá vàng tăng cao, giao dịch trên thị trường không đột biến, thị trường tiền tệ vẫn khá ổn định. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nhờ Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nền kinh tế ổn định, lạm phát ở mức thấp, tỷ giá VND/USD ổn định nên người dân tin tưởng vào VND. Kết quả trên cũng một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Từ khi nghị định này đi vào thực tiễn, không còn xuất hiện tình trạng đầu cơ vàng, tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát tốt.
Nhiều khả năng vàng sẽ tiếp tục tăng giá
Trong những ngày đầu của năm 2021, giá vàng thế giới có sự biến động đáng chú ý khi liên tục tăng mạnh và có thời điểm lên sát mốc 1.950 USD/ounce. Theo đó, giá vàng trong nước liên tiếp đi lên và đạt 57,3 triệu đồng/lượng - mức cao nhất 4 tháng qua vào ngày 6-1. Tuy nhiên, sau đó giá vàng nhanh chóng giảm mạnh.
Dự báo về giá vàng năm 2021, nhiều chuyên gia nhận định giá có thể tăng nhưng mức tăng không quá mạnh. Chuyên gia tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, giá vàng có chiều hướng đi lên nhưng sẽ khó vượt mức kỷ lục 2.077 USD/ounce đã thiết lập trong năm 2020. “Dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng hầu hết các quốc gia đã quen và thích nghi với tình hình mới, vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất. Năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh được dự báo sẽ tốt hơn năm 2020. Hơn nữa, nhiều nước đang sản xuất vắc xin và bắt đầu tiêm phòng nên kỳ vọng đến nửa cuối năm 2021, dịch Covid-19 có thể được kiềm chế. Đây là cơ sở để nền kinh tế thế giới phục hồi”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh lý giải.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, trong bối cảnh phát hiện biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 và nhiều nước tung ra gói hỗ trợ nền kinh tế có thể gây ra lạm phát, giá vàng có thể đi lên trong năm 2021, nhưng mức tăng sẽ không quá mạnh. Giá vàng thế giới có thể chạm mức khoảng 2.000 USD/ounce. Còn giá vàng trong nước có thể lên mức 58-60 triệu đồng/lượng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh tin tưởng, tại thị trường trong nước, dù giá vàng có biến động thế nào thì chắc chắn không tác động đến kinh tế vĩ mô, bởi Việt Nam kiềm chế được đại dịch Covid-19. Nền kinh tế trong nước đang đứng trước khả năng tăng trưởng tốt trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là điểm đến an toàn, đồng thời nhà đầu tư trong nước tiếp tục được hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, trong những tháng qua duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Hơn nữa, những năm qua, Việt Nam điều hành chính sách tỷ giá, kiểm soát lạm phát rất thành công.
Về phía cơ quan quản lý, nhiều lần đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường vàng. Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai đồng bộ giải pháp quản lý ngoại hối góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, từng bước chuyển hóa thành các nguồn vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.