(HNM) - Với ngành Viễn thông, 2018 là năm mà nhiều chính sách vừa thực hiện đã phải tạm dừng, vì gây ra xáo trộn cho xã hội, ảnh hưởng tới người dân và sự phát triển của doanh nghiệp.
Các nhà mạng đã thực hiện chuyển đổi số. |
Những chính sách vừa áp dụng đã tạm dừng
Đầu tiên phải kể đến quy định, nhà mạng chỉ được khuyến mãi không quá 20% với thuê bao trả trước và không quá 50% với thuê bao trả sau (theo Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông) áp dụng từ ngày 1-3-2018.
Tuy nhiên, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, nhiều doanh nghiệp viễn thông đã kiến nghị bỏ quy định này, vì không những trái với quy luật của nền kinh tế thị trường, mà còn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Kiến nghị này đã được cơ quan quản lý tiếp thu và đến đầu tháng 9-2018 các nhà mạng bắt đầu khuyến mãi 50% giá trị thẻ nạp trở lại.
Một quy định nữa gây xáo trộn lớn là theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ, các thuê bao trả trước đăng ký thông tin chưa chính xác phải bổ sung và phải chụp ảnh chân dung thuê bao; đến hết ngày 24-4-2018 nếu thuê bao trong diện phải bổ sung mà không thực hiện sẽ bị cắt liên lạc. Do vậy, khoảng thời gian trước và sau thời điểm 24-4-2018, nhiều cửa hàng, điểm đăng ký của nhà mạng bị quá tải người xếp hàng đăng ký bổ sung.
Đến cuối tháng 9-2018, trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất bỏ quy định chụp ảnh chân dung thuê bao...
Liệu có lặp lại trong năm 2019?
Một câu hỏi được đặt ra là liệu trong năm 2019 câu chuyện chính sách vừa áp dụng đã phải kiến nghị tạm dừng như năm 2018 có lặp lại? Cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những chính sách nào đối với sự phát triển của toàn ngành, nhất là trước tác động lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?
Một chính sách có tác động nhiều đến người dân là chính sách chuyển mạng giữ nguyên số đã được nhà mạng áp dụng với thuê bao trả trước kể từ ngày 1-1-2019. Nếu như việc áp dụng chính sách này với thuê bao trả sau chưa tạo ra sự chuyển dịch lớn, thì việc áp dụng với thuê bao trả trước (chiếm 95% khách hàng dùng di động) được kỳ vọng là động lực để nhà mạng tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, nhất là với khách hàng lâu năm, khi thị trường viễn thông đang dần bão hòa.
Ngoài chính sách chuyển mạng giữ số, hiện các tập đoàn viễn thông, công nghệ: Viettel, VNPT, FPT... đều đã thực hiện chuyển đổi số. Có nghĩa là, bên cạnh viễn thông truyền thống, doanh nghiệp chuyển mạnh sang cung cấp dịch vụ số, từ đó giúp thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.
Bên cạnh đó, một số vấn đề xuất phát từ thực tiễn cũng đã được doanh nghiệp kiến nghị. Tại tọa đàm nhân "Ngày Internet Việt Nam" do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức trong tháng 12-2018, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Nextech cho rằng, thực tế nhiều lĩnh vực mới như trung gian thanh toán, chia sẻ phương tiện vận tải... rất cần hành lang pháp lý để hoạt động, song lại chưa có, hoặc có chưa đầy đủ.
Được biết, từ tháng 9-2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất về chủ trương với Thủ tướng Chính phủ cho phép các nhà mạng tham gia làm chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; được thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán một số dịch vụ có giá trị nhỏ.
Đề xuất này giúp các nhà mạng phát huy lợi thế về hạ tầng công nghệ, lại có sẵn vùng phủ sóng xấp xỉ 100% dân số, trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Nếu được chấp thuận, hệ thống ngân hàng điện tử nội địa sẽ có cơ hội phát triển, tránh để cho các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này.
Cũng từ cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lấy ý kiến các ngành để trình Chính phủ sửa đổi các quyết định, nghị định hướng dẫn liên quan đến thuê dịch vụ công nghệ thông tin; giúp các đơn vị có căn cứ pháp lý, tạo nguồn lực cho quá trình thúc đẩy ứng dụng công nghệ, xây dựng thành phố thông minh tại các cơ quan nhà nước, đồng thời đem lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Để tránh việc gây xáo trộn khi áp dụng quy định mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ quan điểm, việc quản lý nhà nước sẽ chọn cách tiếp cận mới theo mô hình “sandbox” - cho thí điểm tự phát triển trong một không gian nhất định, một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ rõ ràng, sau đó mới hình thành chính sách, quy định quản lý.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, dẫn dắt trong thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những thay đổi trong cách quản lý và đề xuất xây dựng chính sách mới.
Người đứng đầu Bộ cũng từng nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Vì vậy, với quan điểm này, hi vọng trong năm 2019, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tham mưu và ban hành những quyết sách đột phá thúc đẩy ngành phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.