(HNM) - Nhân ngày Sách và bản quyền thế giới (23-4), có không ít câu chuyện về sách và văn hóa đọc được đề cập. Nào là chuyện bản quyền, chống sách lậu, đưa sách về nông thôn, nâng cao văn hóa đọc…
Trong số ấy, chuyện xuất khẩu sách Việt ra thế giới tưởng là xa lạ, ngẫm ra lại thiết thực trước nhu cầu xây dựng cầu nối văn hóa, "mở đường" cho kinh tế và hợp tác quốc tế. Hànộimới có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên Ban tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa đọc (do Bộ VH,TT&DL chủ trì tổ chức) về vấn đề nói trên.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng. |
- Là người dành nhiều tâm huyết cho việc làm sách cũng như tuyên truyền cho văn hóa đọc, câu chuyện xuất khẩu sách Việt Nam ra thế giới có vị trí thế nào trong suy nghĩ của anh?
- Đam mê sách, tôi càng ngày càng hiểu giá trị của sách và tri thức, càng ngày càng quyết tâm thực hiện sứ mệnh của mình là "mang tri thức nhân loại đến với độc giả Việt Nam". Tuy nhiên, tôi cũng có một trăn trở lớn hơn nữa là liệu sách Việt có cơ hội đến với thế giới không? Xuất khẩu sách ở đây có thể hiểu ở hai góc độ, nói đúng hơn là hai mảng việc. Thứ nhất là xuất khẩu sách in của Việt Nam. Và thứ hai là xuất khẩu bản quyền sách. Cả hai mảng đều quan trọng như nhau. Cả hai đều có cơ hội mang lại lợi ích lớn về mọi mặt, từ chính trị đến văn hóa, kinh tế, xã hội, ngoại giao…
- Có khi nào công ty sách của anh tính chuyện mang sách giới thiệu với bạn bè quốc tế?
- Tôi nhớ như in chuyến đi Hội chợ sách Frankfurt (Đức) lần đầu tiên, cách đây 4 năm với tư cách giám đốc một công ty sách của Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ làm quen, kết thân và mua bản quyền sách mang về nước xuất bản, tôi mang theo một số đầu sách để giới thiệu với hy vọng bán được bản quyền hay bán sách ra nước ngoài.
Tuy nhiên, tôi vấp phải ngay rào cản đầu tiên: Tất cả các sách mang theo không có mã vạch, không có ISBN (Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách). Cái sự thiếu ấy quá vô lý đối với thế giới và thế là người ta không chấp nhận. Hơn thế, giấy của ta trắng tinh và cuốn sách khá nặng. Một đối tác thân thiết của ThaiHabooks nói đùa: "Thế này thì mỗi lần đi du lịch anh mang theo được mấy cuốn?!". Một đối tác khác thì xem ngay số lượng bản in. Anh ta lắc đầu: Nếu ở quốc gia gần 100 triệu dân mà các bạn in có một nghìn bản thì làm sao có thể xuất bản ra thế giới. Tôi giật mình và hơi xấu hổ.
- Thực tế, Việt Nam ta cũng từng có những cuốn sách được xuất bản ở nước ngoài, thậm chí được phát hành bằng nhiều ngữ. Anh nghĩ sao về điều này?
- Đúng là có những cuốn sách của Việt Nam từng "xuất ngoại". Đó là "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, xuất bản bằng tiếng Anh, được đánh giá cao và gây tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước. Hai cuốn của Nguyễn Nhật Ánh, "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" và "Mắt biếc" thì "xuất ngoại" sang Thái Lan và Nhật Bản. Rồi "Hiểu về trái tim" được bán bản quyền sang Nhật Bản… Song, rõ ràng số lượng sách ra được với thế giới không nhiều. Một cách thẳng thắn thì thấy con đường để sách bản quyền ra thế giới hiện nay chủ yếu là do mối quan hệ của các tác giả, hoặc các NXB nước ngoài tự tìm đến. Chúng ta hầu như chưa có một cơ quan nào đứng ra lo việc xuất khẩu sách, bán bản quyền ra nước ngoài.
- Vậy thì chúng ta phải làm gì?
- Tôi xin chia sẻ từ thực tế của công ty sách chúng tôi. Ngay khi thành lập, ThaiHabooks đã có phòng bản quyền. Mong muốn của chúng tôi là thành đầu mối của các NXB thế giới tại Việt Nam. Kế hoạch của chúng tôi là trở thành đầu mối xuất khẩu sách đi nước ngoài, cả sách giấy đã in và bản quyền sách. ThaiHabooks là doanh nghiệp làm sách đầu tiên của Việt Nam có đầy đủ mã vạch, ISBN, biên mục trên xuất bản phẩm khi xuất bản sách. Việc này đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Cục Xuất bản, Vụ Thư viện. Hiện nay, ngày càng có nhiều đơn vị làm sách quan tâm đến vấn đề này. Rõ ràng, nếu không chú trọng chuẩn hóa, sách Việt hầu như không có cơ hội góp mặt ở thị trường sách thế giới.
Bên cạnh đó, để vượt qua rào cản về chất lượng sách, chúng ta cũng đã và đang tìm ra loại giấy riêng tốt nhất.
Rồi thì bìa sách nữa. Bìa sách của ta dưới con mắt bạn bè thế giới cũng không đạt chuẩn.
Một vấn đề khác, quan trọng không kém là nội dung. Để có thể xuất khẩu bản quyền ra nước ngoài, suốt 5 năm qua, ThaiHabooks đã chọn ra 100 đầu sách phù hợp nhất. Tôi xin nhắc lại là hợp nhất chứ không phải hay nhất, bởi có khi cái mà chúng ta cho là hay thì bạn bè thế giới lại không đọc. Ngược lại, có những cuốn của nước ngoài rất rất hay, tạo cơn sốt tại nhiều nước như "Cống hiến trường cửu", "Sức mạnh của những người phi lý"… nhưng khi phát hành tại Việt Nam, có hai nghìn bản mà vẫn ế. Càng làm càng thấy "gu" đọc ở các nước và ta có sự khác nhau.
- Theo tính toán của anh, phải mất bao lâu mới có thể có những chuyển động rõ rệt về xuất khẩu sách ở Việt Nam?
- Có lẽ ít phải mất 10 năm kể từ lúc khởi động. Chúng tôi bắt đầu từ năm 2008, chắc phải 2018 mới có “quả ngọt”. Xuất bản sách là đầu tư cho tri thức. Xuất khẩu sách là việc làm rất tốt, rất lợi. Tuy nhiên, cần những người đam mê nghiêm túc, có hiểu biết, có quan hệ và khả năng giao tiếp tốt. Thêm một điểm nữa là phải có vốn và sự kiên trì, nhìn hẹp ở một doanh nghiệp cũng thế mà nhìn rộng ở chiến lược tầm quốc gia cũng vậy. Nếu những yếu tố trên mà không có thì chắc khó lòng đến đích.
- Xin cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.