Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2012: Tập trung nâng cao sức cạnh tranh

Hồng Sơn| 03/12/2011 06:52

(HNM) - Đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế năm 2011 để chủ động bước vào năm 2012 là nội dung chính của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 2-12. Chủ đề của diễn đàn là "Giai đoạn mới cho tăng trưởng cạnh tranh" đã thể hiện rõ mục tiêu và khát vọng đổi mới, đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Thắt chặt tiền tệ là giải pháp sẽ tiếp tục được triển khai nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Ảnh: Chí Lâm

Điểm yếu cố hữu

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2011 chưa có nhiều điểm sáng, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Lạm phát đã dần bị đẩy lùi trong những tháng cuối năm nhưng vẫn ở mức cao bên cạnh lãi suất ngân hàng mới chỉ bắt đầu giảm, chưa thể phát huy tác dụng như mong muốn. Bộ Kế hoạch - Đầu tư và nhiều tổ chức kinh tế quốc tế đều nhận định, chỉ số lạm phát của Việt Nam cao hơn hẳn các nước có nguyên nhân sâu xa là cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa hợp lý, chậm được điều chỉnh, hiệu quả đầu tư thấp. Nhiều năm qua, Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để huy động vốn cho mô hình tăng trưởng theo chiều rộng… Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, nền kinh tế nước nhà đã bộc lộ một số điểm yếu cố hữu như: chất lượng nguồn nhân lực thấp; hệ thống pháp luật, chính sách chưa hoàn chỉnh; trình độ phát triển và công nghệ thấp; bất cập về năng lực quản lý, điều hành...

Cảm nhận về môi trường kinh doanh, tiêu chí quan trọng nhất đối với sức sống, sức cạnh tranh và hấp dẫn của nền kinh tế, đã được nhìn nhận một cách cụ thể. Theo đó, giới DN đưa ra mức điểm bình quân là 2,04/4 (thang điểm là 4 - tương đương với mức "rất tốt"). Đây là một bước thụt lùi, thấp hơn so với mức 2,52/4 của năm ngoái. Có 26% số DN đánh giá môi trường kinh doanh năm 2011 là "tốt", bằng một nửa so với năm 2010. Mức độ bi quan của các DN đầu tư nước ngoài cao hơn so với DN trong nước, khi khối này cho điểm bình quân là 1,88/4 so với mức điểm của DN trong nước là 2,08/4. Thực tế này sẽ làm xuất hiện tâm lý e ngại của các nhà đầu tư nước ngoài, làm gia tăng tình trạng lưỡng lự trước khi quyết định đầu tư khi phải đối mặt với một số hạn chế chưa được tháo gỡ triệt để: sự yếu kém về hệ thống hạ tầng, vấn đề tiếp cận đất đai, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng, DN châu Âu đang quan ngại về môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng luôn sẵn sàng hợp tác, chia sẻ trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2011 là một năm đầy khó khăn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với tinh thần quyết liệt nên đã giúp kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, đạt một số kết quả quan trọng. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6% - là mức tăng khá trong điều kiện cả nước phải căng sức kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công. Khu vực dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá, chủ yếu nhờ sự phát triển của thị trường trong nước. Hoạt động xúc tiến du lịch diễn ra sôi động. Đặc biệt là xuất khẩu đạt kết quả cao hơn chỉ tiêu kế hoạch. Nhìn chung, các chỉ số và cân đối vĩ mô vẫn bảo đảm, an sinh xã hội được giữ ổn định.

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục mang đến tín hiệu khả quan cho nền kinh tế. Trong ảnh: Thu hái cà phê tại Đắc Lắc. Ảnh: Chí Lâm

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2012 và thời gian tiếp theo, Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, thông qua việc tái cơ cấu đầu tư, cải tiến quản lý hệ thống tài chính và DN nhà nước nhằm đổi mới mô hình phát triển, chuyển dịch từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, ưu tiên du nhập và phát triển công nghệ cao, tăng năng suất lao động, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai Nghị quyết 11, ưu tiên kiềm chế lạm phát trong bối cảnh dự báo tình hình năm 2012 vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp, bất lợi. 7 nhóm giải pháp chủ yếu sẽ được triển khai, trước hết là thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt theo hướng chủ động và linh hoạt để kiềm chế lạm phát ngay từ đầu năm, phấn đấu giữ chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10% kết hợp với tăng cường xuất khẩu và hạn chế nhập siêu. Tập trung nguồn lực tạo bước đột phá trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh; rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; hỗ trợ các địa phương bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo kết hợp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chủ động phòng, chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tăng tốc độ hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chống lãng phí. Đây sẽ là nhóm giải pháp trực tiếp tạo ra sự chuyển biến về sức hấp dẫn trong môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, công khai, minh bạch nhằm khơi thông dòng vốn đầu tư. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Với tinh thần chủ động, đón bắt cơ hội, phát huy tiềm năng cùng các nguồn lực tổng hợp, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2012.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2012: Tập trung nâng cao sức cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.