Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2012: Tập trung kiểm toán các lĩnh vực nóng, nhạy cảm

Hương Ly| 07/01/2012 07:33

(HNM) - Hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực sử dụng ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, dự án quốc gia đã được Kiểm toán Nhà nước  chỉ rõ, đồng thời kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi nộp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng...



Kiểm toán viên hoạt động nghiệp vụ tại một doanh nghiệp. Ảnh: Phạm Hậu

- Nhiều cuộc kiểm toán quan trọng đã được KTNN thực hiện trong năm 2011, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Ông có thể chia sẻ đôi nét về những lĩnh vực sẽ được KTNN thực hiện trong năm nay?

- Năm qua, KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm, như kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kiểm toán chuyên đề trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu giai đoạn 2009-2010, kiểm toán thực hiện một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội… Kết quả kiểm toán đã góp phần tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội trong công tác quản lý, điều hành, giám sát và được dư luận đánh giá cao. Năm 2012, KTNN sẽ đặt trọng tâm vào lĩnh vực quản lý, như xăng dầu, điện, than, đất đai, phát triển nhà và đô thị, khai thác tài nguyên, khoáng sản, giáo dục và đào tạo, môi trường và đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Về quy mô, kế hoạch kiểm toán năm 2012 không tăng so với năm 2011 để tập trung thời gian và nhân lực nâng cao chất lượng kiểm toán. Ngoài kế hoạch kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước thường xuyên hằng năm, KTNN sẽ thực hiện 16 cuộc kiểm toán chuyên đề (tăng 11 chuyên đề so với năm 2011). Trong đó có các chuyên đề quản lý và sử dụng đất tại một số dự án, một số địa phương; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/CP; quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2009-2011; hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg.

Mục tiêu của KTNN là kiểm toán với phương châm tiếp cận nhiều chiều để kiến nghị mang tính khả thi cao, kịp thời phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng. Với những trường hợp vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tham ô, tham nhũng hoặc lãng phí thì cần thiết phải hoàn chỉnh bằng chứng kiểm toán để kịp thời lập và chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

- Để thực hiện kiểm toán hiệu quả những lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm, việc nâng cao chất lượng kiểm toán và thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN là hết sức quan trọng. Điều này sẽ được KTNN triển khai như thế nào?


- Sản phẩm cuối cùng của hoạt động KTNN là các thông tin trong báo cáo kiểm toán. Giá trị của báo cáo kiểm toán đã được quy định rất rõ trong Luật KTNN. Giá trị có ý nghĩa sâu xa hơn của báo cáo kiểm toán còn là sự thừa nhận, sự ủng hộ của xã hội đối với các kết luận và kiến nghị kiểm toán. Để nâng cao chất lượng kiểm toán, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên song song với việc nâng cao năng lực quản lý và điều hành của thủ trưởng đơn vị. Tôi cho rằng, kết quả của hoạt động KTNN không chỉ có tác động mạnh đến KT-XH, mà còn là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nghiên cứu, kịp thời đề ra các giải pháp có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, đóng góp thiết thực cho sự phát triển KT-XH của đất nước. Đây là vấn đề cốt lõi, mang tính bản chất của hoạt động KTNN và sự khác biệt giữa KTNN với các cơ quan cùng thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra khác trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị.

- Nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng NSNN đã được chỉ rõ trong các báo cáo kiểm toán. Đảm nhận cương vị Tổng KTNN trong giai đoạn hiện nay được ví như ngồi trên ghế "nóng", ông có cảm thấy áp lực về điều này?

- Cách hiểu này xuất phát từ việc hoạt động kiểm toán sẽ đụng chạm đến nhiều đơn vị, cá nhân, chỉ ra những sai sót, gian lận và kết luận, kiến nghị sửa chữa, thu hồi nộp NSNN, kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, thậm chí trường hợp nghiêm trọng, KTNN sẽ đề nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét theo thẩm quyền. Khi KTNN hoạt động hiệu quả sẽ xuất hiện sự kỳ vọng lớn về yêu cầu kiểm toán vượt lên trên năng lực hiện có của bản thân cơ quan KTNN. Mặt khác, KTNN cũng có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán tính tuân thủ, kiểm toán tính hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của các cơ quan, các đơn vị, các doanh nghiệp nhà nước... là vấn đề rất khó và nhiều thách thức. Trong quá trình kiểm toán, để đưa ra những kết luận và kiến nghị kiểm toán xác đáng giúp cho đơn vị kiểm toán quản lý vốn, tài sản ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời để KTNN thực hiện tốt chức năng tư vấn, KTNN phải thu thập đầy đủ bằng chứng cụ thể, thích hợp, nếu chưa tìm hiểu sâu thì có thể nhiều người nghĩ rằng đây là vấn đề "nóng", vấn đề nhạy cảm. Cá nhân tôi cho rằng, đó là những yêu cầu bắt buộc, yêu cầu khách quan, không có gì là áp lực.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2012: Tập trung kiểm toán các lĩnh vực nóng, nhạy cảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.