Ngày 22-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vắc xin nước này viện trợ cho nước ngoài lên 1,1 tỷ liều.
Tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 diễn ra bên lề khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc, diễn ra tại Mỹ.
Ngoài ra, ông cũng cam kết hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
Tổng thống Biden cho biết đã đàm phán mua thêm 500 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) để tài trợ cho các nước khác.
Số vắc xin trên sẽ được sản xuất tại Mỹ và chuyển tới các nước thu nhập thấp và trung bình từ tháng 1-2022 theo cơ chế COVAX - chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối cùng Liên minh vắc xin GAVI nhằm đảm bảo vắc xin ngừa Covid-19 được phân phối công bằng trên toàn cầu.
Theo ước tính của giới chuyên gia, thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vắc xin phòng Covid-19 để đạt độ bao phủ vắc xin.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ khẳng định đây là một cam kết lớn và trên thực tế cứ mỗi một liều vắc xin được tiêm tại Mỹ thì nước này đã viện trợ 3 liều cho các nước khác.
Trong khi đó, hãng Pfizer cho biết 500 triệu liều vắc xin mà Chính phủ Mỹ đặt mua trước đó đã được chuyển đến các nước trên thế giới bắt đầu từ tháng 8 và dự kiến tiến trình chuyển giao tổng 1 tỷ liều vắc xin viện trợ của Washington sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9-2022.
Có 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình và 55 nước thành viên Liên minh châu Phi sẽ được nhận số vắc xin viện trợ này.
Trước đó, trong bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21-9, Tổng thống Biden cho biết Washington đã ủng hộ hơn 15 tỷ USD cho nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và chuyển giao hơn 160 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho các nước.
Tại hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 này, Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tập trung vào 3 mục tiêu chính: Tăng nguồn cung vắc xin; tăng nguồn cung oxy để cứu thêm được nhiều bệnh nhân, tăng khả năng xét nghiệm, thuốc và trị liệu; và cuối cùng là cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với đại dịch tương tự trong tương lai.
Đối với tiêm chủng vắc xin, Tổng thống Biden theo đuổi mục tiêu tham vọng là đến tháng 9-2022, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới được tiêm chủng.
Cho tới nay, vẫn còn khoảng cách lớn giữa các nước về nguồn cung vắc xin. Thống kê cho thấy mới chỉ 3,6% dân số trong diện tiêm chủng tại châu Phi đã được tiêm vắc xin, trong khi tỷ lệ này ở các nước Tây Âu là 60%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.