(HNM) - Nỗ lực đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến kéo dài gần 19 năm qua tại Afghanistan tiếp tục được thúc đẩy với các cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Taliban và Mỹ. Hy vọng về việc chấm dứt cuộc chiến dai dẳng này một lần nữa được nhen nhóm khi ngày 14-2 giới chức Mỹ xác nhận nước này đã đạt được thỏa thuận với Taliban về một đề xuất giảm bạo lực trong 7 ngày.
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh rằng, Mỹ đang tiến "rất gần" tới một thỏa thuận hòa bình với Taliban tại Afghanistan. Theo đó, Mỹ sẽ rút quân khỏi quốc gia Nam Á nếu lực lượng này chứng minh được cam kết về việc cắt giảm bạo lực trong 7 ngày vào cuối tháng này. Washington cũng sẽ đàm phán trực tiếp với thủ lĩnh Taliban và lãnh đạo Kabul về tương lai của Afghanistan. 7 ngày là quãng thời gian để Mỹ kiểm chứng việc các thủ lĩnh Taliban có thể kiểm soát được các cuộc tấn công từ các tay súng “dưới trướng” hay không.
Trước đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo với ông, các cuộc đàm phán tại Qatar giữa Mỹ và Taliban đã tiến triển đáng kể. Lãnh đạo Afghanistan nhận định đối thoại giữa Mỹ và Taliban có thể đạt được đột phá. Nếu việc giảm bạo lực được duy trì, nhiều khả năng Mỹ và Taliban sẽ ký một thỏa thuận để khởi động các cuộc đối thoại giữa nhóm này và đại diện người Afghanistan trên cả nước, bởi hiện Taliban vẫn từ chối đàm phán với chính phủ ở Kabul.
Tín hiệu lạc quan trên được hy vọng có thể chấm dứt "cuộc chiến bất tận" của Mỹ tại quốc gia Nam Á. Tuy nhiên, các cuộc hòa đàm giữa Mỹ và Taliban từ lâu vẫn rất mong manh. Tổng thống D.Trump từng đột ngột tuyên bố ngừng đàm phán khi hai bên sắp đạt thỏa thuận vào tháng 9 năm ngoái, sau khi phiến quân thừa nhận đứng sau loạt vụ đánh bom tự sát ở Kabul khiến 12 người chết, trong đó có một lính Mỹ. 3 tháng sau đó, các cuộc đối thoại đã được tái khởi động tại Qatar, nhưng cũng đã bị gián đoạn sau vụ tấn công gần căn cứ quân sự Bagram của Mỹ ở Afghanistan.
Thời gian qua, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad đã gặp gỡ các đại diện Taliban để thúc đẩy một cuộc đàm phán giữa Mỹ, Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban, từ đó hướng tới một thỏa thuận hòa bình. Thỏa thuận được Mỹ và Taliban thảo luận gồm 4 vấn đề chính, gồm: Taliban bảo đảm sẽ không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công, các lực lượng Mỹ và NATO rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, các bên tại Afghanistan phải đối thoại trực tiếp và một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn phải đạt được.
Cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Afghanistan đến nay khiến hàng chục nghìn người dân nước này và hơn 3.500 binh sĩ trong liên quân do Mỹ dẫn đầu thiệt mạng. Lầu Năm Góc đang duy trì khoảng 13.000 lính ở Afghanistan. Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump muốn giảm số quân đồn trú xuống dưới 8.600 người, trong nỗ lực lấy lòng cử tri với lời hứa chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần hai thập niên tại quốc gia Nam Á. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần, ông D.Trump cần những tiến triển cụ thể ở Afghanistan để làm đòn bẩy chính trị cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai.
Chiến tranh và xung đột liên miên đã tàn phá đất nước Afghanistan. Kể từ khi liên quân rút phần lớn binh lính khỏi nước này vào năm 2014 sau khi đã phải hao tổn nhiều sinh mạng và tiền của, Afghanistan vẫn là đất nước của bạo lực và nghèo đói. Do đó, giờ đây cả Mỹ, Taliban và chính quyền Afghanistan đều hướng tới một viễn cảnh tốt đẹp hơn cho tất cả các bên. Việc Mỹ và Taliban nhất trí giảm bạo lực trong vòng 7 ngày được kỳ vọng sẽ là điểm khởi đầu của tiến trình chính trị tích cực, tiến tới một thỏa ước hòa bình bền vững cho Afghanistan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.