Theo Reuters ngày 5-11, Ngoại trưởng các nước Qatar, Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Amman (Jordan), thúc đẩy Washington thuyết phục Israel đồng ý ngừng bắn.
Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi nói trong cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ A.Blinken cuối tuần qua: “Cuộc chiến này sẽ gây thêm đau đớn cho người Palestine, người Israel và điều này sẽ đẩy tất cả chúng ta một lần nữa vào vực thẳm của hận thù và mất nhân tính. Vì vậy, việc đó cần phải dừng lại".
Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ bác bỏ ý tưởng ngừng bắn, cho rằng điều đó sẽ chỉ có lợi cho Hamas - cho phép nhóm Hồi giáo này tập hợp lại lực lượng và tấn công trở lại. Washington đã đề xuất tạm dừng cục bộ trong giao tranh để cho phép viện trợ nhân đạo và cho người dân rời khỏi Dải Gaza. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ điều này khi ông gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 3-11 tại Tel Aviv.
Trong khi đó, theo Reuters ngày 5-11, những người biểu tình ủng hộ Palestine đã tổ chức các cuộc tuần hành ở London, Berlin, Paris, Ankara, Istanbul và Washington để kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và trừng phạt Israel sau khi quân đội của nước này tăng cường tấn công. Hàng trăm người biểu tình cũng đã tập trung tại Istanbul và Ankara, một ngày trước chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken để đàm phán về Gaza.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã chỉ trích gay gắt Israel và các nước phương Tây khi cuộc khủng hoảng nhân đạo gia tăng ở Gaza, ủng hộ giải pháp hai nhà nước và tiếp đón các thành viên của Hamas. Không giống như Mỹ, Liên minh châu Âu và một số quốc gia vùng Vịnh, Ankara không coi Hamas là một tổ chức khủng bố.
Trong một diễn biến khác, ngày 5-11, Liên hợp quốc đã cảnh báo về tình trạng "thảm khốc" đối với trẻ em ở Gaza, khi bom của Israel đánh trúng một trường học đang được sử dụng làm nơi trú ẩn và bên ngoài một bệnh viện.
Theo cơ quan này, hơn 40% số người thiệt mạng ở Gaza sau gần 4 tuần xung đột là trẻ em, với 3.900 nạn nhân trẻ em được báo cáo và 1.250 người khác mất tích, được cho là bị chôn vùi dưới các tòa nhà bị đánh bom. Với ít máy móc cứu hộ, bệnh viện quá tải và cạn kiệt nguồn cung cấp, cơ hội sống sót của những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát là rất thấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.