(HNMO) - Mỹ đã bày tỏ những lo ngại trở lại về các mối nguy hiểm với những cá nhân sau khi trang WikiLeaks đưa ra công chúng những tài liệu ngoại giao Mỹ, nhiều trong số này có tên của nhiều nguồn nhạy cảm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland vẫn chưa xác nhận tính chính xác của những tài liệu mới nhất, nhưng cho biết "Mỹ lên án mạnh mẽ bất cứ việc phơi bày bất hợp pháp thông tin chính thức được coi là mật".
"Cùng với thiệt hại cho các nỗ lực ngoại giao của chúng tôi, nó còn đặt an ninh của các cá nhân vào vòng nguy hiểm, đe dọa an ninh quốc gia của chúng tôi và làm xói mòn nỗ lực của chúng tôi trong việc hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm", bà Nuland nói với các phóng viên.
"Chúng tôi vẫn lo lắng về những sự phơi bày bất hợp pháp này và về những nguy hiểm đối với các cá nhân", bà nói.
"Chúng tôi tiếp tục giám sát thận trọng những gì được đưa ra công chúng và thực hiện các bước để giảm nhẹ thiệt hại đối với an ninh quốc gia và giúp đỡ những người có thể bị tổn hại bởi những sự phơi bày bất hợp pháp này trong phạm vi mà chúng tôi có thể", bà Nuland nói.
Bà Nuland đang ám chỉ đến một chính sách mà các chuyên gia cho biết liên quan đến các nỗ lực của Mỹ để có được sự giúp đỡ các nguồn đang gặp nguy hiểm bởi các tài liệu bị công bố, trong đó có cả khả năng di chuyển họ.
Tờ New York Times cho biết, 133.887 tài liệu kín và bí mật vừa mới bị công bố có chứa nhiều tên của các nguồn nhạy cảm, những người có thể bị trả thù nếu bị phát hiện họ đã nói chuyện với các nhà ngoại giao Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức Úc đang chặn trang web của Wikileaks vì hành động "tắc trách khó tin" của nó trong việc xuất bản các tài liệu mật của Mỹ, trong đó có đưa chi tiết về những người Úc với những mối quan hệ đáng ngờ với chủ nghĩa khủng bố ở Yemen.
Hôm qua, 30/8, WikiLeaks cho biết, trang này đang phải chống đỡ một cuộc tấn công mạng sau khi bị đánh quật bởi việc công bố thêm nhiều tài liệu ngoại giao mật được cho là của Mỹ.
Sau khi WikiLeaks có được khoảng 250.000 tài liệu và đã công bố phần đầu tiên trong số này hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ ngoại giao Mỹ đã bị lộ ra những phát hiện đáng xấu hổ về việc Bộ này đã nghĩ thế nào về các quan chức chính phủ nước ngoài.
Các nhà ngoại giao đã lo ngại rằng sự phơi bày trên sẽ khiến họ khó khăn hơn khi làm việc bởi các quan chức, các đại diện của các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động và những người khác sẽ ngại ngần trò chuyện với họ một cách riêng tư vì sợ bị phát hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, WikiLeaks khá cẩn trọng trong việc loại bỏ những cái tên của các nguồn chính phủ Mỹ trong gói tài liệu đầu tiên được công bố.
Nhưng điều trên đã không được làm với gói tài liệu mới nhất.
"Có điều gây lo lắng rằng một số nguồn tin mật không phải là các quan chức công khai, mà là các mối liên lạc riêng tư, các thành viên của NGO hoặc các công ty tư nhân. Và trong một số trường hợp, bản thân các tài liệu đã ghi rõ rằng, các nguồn tin cần được bảo vệ", ông Steven Aftergood, một chuyên gia về bí mật chính phủ tại Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ, người đã xem qua hàng chục tài liệu và nhận thấy chỉ có 1 trường hợp được gỡ bỏ nguồn, cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.