Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, việc rút binh sỹ Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên sẽ được thảo luận với các đồng minh nếu Triều Tiên đề nghị điều đó như một phần của tiến trình đạt được thỏa thuận hòa bình.
Thông cáo phát đi ngày 27-4 cho hay: "Đó là một trong những vấn đề chúng tôi sẽ thảo luận trong các cuộc đàm phán với đồng minh trước tiên và tất nhiên là với cả Triều Tiên".
Trong khi đó, phản ứng sau hội nghị liên Triều lịch sử, Chính phủ Indonesia bày tỏ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4 sẽ giúp mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói: "Indonesia hoan nghênh kết quả của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hy vọng sự kiện này sẽ tạo nền tảng cho hòa bình lâu dài ở bán đảo Triều Tiên, mang lại sự thịnh vượng cho nhân dân hai nước. Indonesia cũng hy vọng rằng Hội nghị này có thể là sự khởi đầu cho một khu vực bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. (Nguồn: AP) |
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cùng ngày ra tuyên bố hoan nghênh kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, đồng thời bày tỏ mong muốn các bên sẽ tiếp tục có những bước đi tích cực để hướng đến một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra sau Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), các ngoại trưởng cũng đã bày tỏ quan điểm về tình hình Triều Tiên hiện nay và mong muốn hợp tác với Trung Quốc trong việc giải quyết những thách thức đặt ra trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân đến Hàn Quốc kể từ khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra trong bối cảnh ông Kim Jong-un dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.