(HNM) - Mỹ và 5 quốc gia (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Anh) sẽ chính thức phối hợp để mở kho dầu dự trữ quốc gia sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) không tăng sản lượng theo yêu cầu. Động thái này nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung trên toàn thế giới và từng bước làm "hạ nhiệt" giá nhiên liệu.
Tháng 4-2020, OPEC+ đưa ra quyết định loại bỏ gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày khỏi thị trường do đại dịch Covid-19 bùng phát làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Các nhà sản xuất khác, bao gồm cả Mỹ, cũng hạn chế sản lượng do giá dầu lao xuống mức thấp chưa từng thấy. Đến tháng 8-2021, chính quyền của ông Joe Biden đã kêu gọi OPEC+ tăng dần sản lượng dầu trong bối cảnh nhu cầu và giá năng lượng bắt đầu tăng. Tuy nhiên, liên minh này quyết định duy trì lịch trình đã thỏa thuận, chỉ nâng sản lượng lên thêm 400.000 thùng mỗi ngày. Sự hạn chế nguồn cung được OPEC+ lý giải là do lo ngại sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19, có thể dẫn tới khủng hoảng thừa như đã từng xảy ra trước đó.
Tại Mỹ, lạm phát đang hướng tới mức cao nhất trong 30 năm và người dân dù giàu hay nghèo, đều có thể thấy giá xăng tăng theo ngày. Đầu tháng 11-2021, một số thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện đã thúc giục Tổng thống Mỹ hành động trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vì giá xăng trên toàn quốc đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nhận định, nguồn cung dầu không theo kịp nhu cầu, khiến các gia đình và doanh nghiệp đối mặt với khó khăn. Do đó, Tổng thống Joe Biden đang sử dụng mọi công cụ để hạ giá và giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung.
Đại diện Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận khai thác kho dầu dự trữ quốc gia đạt được sau nhiều tuần đàm phán với các nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới. Theo đó, Mỹ sẽ tung ra thị trường 50 triệu thùng dầu thô từ kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Bên cạnh Mỹ, còn có 5 quốc gia đang cảm thấy khó khăn khi nguồn cung khí đốt bị hạn chế bao gồm: Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Anh. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới. Nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gia tăng không ngừng của giá dầu thế giới. Vì vậy, Ấn Độ đã đồng ý giải phóng 5 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình. Tương tự, nước Anh thông báo sẽ xả kho 1,5 triệu thùng. Chi tiết về thời gian và mức xả dự trữ dầu của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc hiện chưa được công bố.
Ngay sau khi có thông tin trên, các chuyên gia kinh tế nhận định, giá dầu có thể giảm trong những tuần tới. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden cũng vẫn sẽ phải đối mặt với khó khăn trước những phản ứng của thị trường bởi lạm phát của xứ Cờ hoa đã có mức tăng cao nhất trong ba thập kỷ qua. Nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận, sự phối hợp với các quốc gia khác sẽ không làm thay đổi giá xăng dầu trong một sớm một chiều, nhưng ông nhấn mạnh về lâu dài "chúng tôi sẽ giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ khi chuyển sang sử dụng năng lượng sạch”.
Theo dự kiến, các quốc gia OPEC+ sẽ có cuộc gặp vào ngày 2-12 tới để thảo luận về các chính sách nhằm bảo đảm nguồn cung dầu mỏ trong tương lai. Nhà phân tích Craig Erlam của Công ty ngoại hối Oanda cho biết, động thái giải phóng dầu trong kho dự trữ của Tổng thống Joe Biden và các đồng minh "giống như một lời cảnh báo đối với OPEC+ rằng không thể xem thường các nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới". Nỗ lực chưa từng có của Washington trong việc hợp tác với các nền kinh tế lớn ở châu Á nhằm giảm giá năng lượng đã làm vơi đi phần nào mối lo ngại về giá dầu thô đang tăng tới hơn 50% trong năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.