(HNM) - Với sự góp mặt của khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ cùng gần 4.000 binh sĩ Philippines và 80 lính Australia, cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn mang tên Balikatan (Vai kề vai) vừa chính thức khai màn sau buổi lễ được tổ chức trọng thể tại thủ đô Manila của Philippines.
Mỹ và Philippines huy động nhiều thiết bị quân sự tham gia tập trận chung thường niên Balikatan 2016. |
Dự kiến kéo dài trong 11 ngày, Balikatan 2016 là cuộc diễn tập quân sự nhằm tăng cường năng lực chiến đấu của lực lượng Philippines cũng như khả năng phối hợp giữa lực lượng vũ trang của hai nước đồng minh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ghi nhận của báo chí 48 giờ qua cho thấy, một số lượng lớn xe, thiết bị quân sự hạng nặng của Mỹ đã được đưa tới sân bay quốc tế ở Vịnh Subic của Philippines để tham gia tập trận. Dù địa điểm không được công bố, nhưng một số nguồn tin cho biết cuộc diễn tập diễn ra tại các vùng Antique, Panay, Palawan, Tarlac, Pampanga… của Philippines. Theo Người phát ngôn cuộc tập trận Balikatan - ông Celeste Frank Sayson - 55 máy bay chiến đấu của Mỹ tham gia sự kiện trong khi Philippines sử dụng ngay các chiến đấu cơ vừa mua.
Đây cũng là cơ hội để Philippines thử tàu chiến mới trang bị, trong đó có tàu đổ bộ hạng nặng mua của Australia. Đặc biệt, hệ thống pháo phản lực đa nòng cơ động cao của Mỹ (HIMARS) M143 cũng lần đầu tiên được sử dụng tại Balikatan 2016. HIMARS có tầm bắn 300km, phóng đi các loại đạn pháo phản lực tấn công mục tiêu trên bộ và từng được thử nghiệm tấn công cả tên lửa phòng không AMRAAM.
Tập trận thường niên Balikatan 2016 chỉ là một trong những bước đi nhằm cụ thể hóa những thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines. Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg mới đây cho biết, Washington để ngỏ khả năng tuần tra hải quân chung với Manila ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục thực thi hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp này.
Sau cuộc tập trận, Philippines sẽ tổ chức thêm nhiều diễn tập quân sự khác với Mỹ trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị cho phép quân đội Mỹ trở lại ít nhất 5 căn cứ quân sự theo một thỏa thuận giữa Manila với Washington. Hiệp ước quân sự thời hạn 10 năm đã được hai Chính phủ Mỹ và Philippines ký ở Manila năm 2014, nhưng chỉ vừa được Tòa án Tối cao Philippines thông qua vào tháng 1-2016, cho phép Mỹ đưa thêm lực lượng và khí tài quân sự tới quốc gia Đông Nam Á này.
Balikatan 2016 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục gia tăng với hàng loạt hành động quân sự hóa của Trung Quốc. Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Benigno Aquino nhấn mạnh quốc gia phải đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng vũ trang nhằm đáp ứng nhu cầu phòng vệ. Một trong những bước đi cụ thể của Manila là xem xét kế hoạch xây dựng hạm đội tàu ngầm đầu tiên để bảo vệ lãnh hải.
Đây là một phần nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều bất ổn. Philippines cũng thông báo kế hoạch thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 của Nhật Bản để hỗ trợ lực lượng hải quân tuần tra trên Biển Đông. Chính phủ đương nhiệm của Tổng thống B.Aquino khẳng định chủ trương củng cố tiềm lực quốc phòng thông qua xây dựng lực lượng không quân, tăng số lượng máy bay và trực thăng để vận chuyển binh sĩ và hàng tiếp tế cũng như bảo vệ các đường biên giới biển.
Theo đó trong năm nay, Philippines sẽ nhận hai máy bay vận tải C-130 được nâng cấp của Mỹ cũng như đề nghị giúp đỡ tăng cường sức mạnh trên không từ cả Mỹ lẫn Hàn Quốc. Những hành động thực tế cho thấy sau nhiều thập kỷ tập trung chống các phong trào nổi dậy trong nước, quân đội Philippines đã chuyển trọng tâm sang bảo vệ lãnh thổ. Dự kiến quân đội sẽ dành 83 tỷ peso (tương đương 1,77 tỷ USD) từ năm 2017 để nâng cấp và hiện đại hóa khí tài quân sự của các lực lượng Không quân và Hải quân.
Là một đồng minh lâu năm, hợp tác quân sự là một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ và Philippines. Kể từ khi chính quyền Tổng thống Barack Obama xác định chiến lược chuyển trọng tâm về Châu Á - Thái Bình Dương và an ninh khu vực diễn biến phức tạp với bất ổn tại Biển Đông, biển Hoa Đông, mối liên kết này càng trở nên khăng khít và được nhìn nhận sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong tương lai vì lợi ích chiến lược của cả hai bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.