Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ nhất trí rút lực lượng chiến đấu khỏi Iraq: ''Hạ nhiệt'' căng thẳng

Hoàng Linh| 10/04/2021 06:26

(HNM) - Đối thoại chiến lược giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Iraq Fuad Hussein đã kết thúc với điểm nhấn: Mỹ nhất trí rút toàn bộ lực lượng chiến đấu đã triển khai tới Iraq để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) về nước. Bước đi này có thể làm “hạ nhiệt” căng thẳng đang leo thang giữa các phe phái chính trị trong nội bộ Iraq, tuy nhiên cũng tạo ra khoảng trống kiểm soát tại Iraq, là cơ hội để các tổ chức khủng bố có thể trỗi dậy.

Mỹ sẽ rút toàn bộ lực lượng chiến đấu tại Iraq về nước.

Thỏa thuận trên đạt được sau cuộc đối thoại chiến lược song phương đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong tuyên bố chung đưa ra, hai bên tái khẳng định lực lượng Mỹ đóng tại Iraq là theo đề nghị của chính quyền Baghdad nhằm hỗ trợ Lực lượng An ninh Iraq (ISF) trong cuộc chiến chống IS.

Hai bên chung nhận định, tới nay quân đội Iraq đã đạt được những tiến bộ đáng kể; xác nhận Mỹ và liên minh quốc tế chuyển trọng tâm sang các nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn, qua đó cho phép rút các lực lượng chiến đấu còn lại của Mỹ tại Iraq về nước.

Về phần mình, Iraq cam kết bảo vệ các căn cứ quân sự có sự hiện diện của binh lính Mỹ, cũng như các chuyên gia nước ngoài trên lãnh thổ nước này. Ngoại trưởng hai nước cũng đồng ý tiếp tục thực thi điều phối, hợp tác an ninh song phương Mỹ - Iraq.

Bước đi mới phù hợp với nỗ lực giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Trung Đông mà Mỹ đã theo đuổi qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống gần đây, nhằm chấm dứt "các cuộc chiến vô thời hạn". Trước đó, trong những tháng cuối nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Donald Trump cũng chỉ thị rút binh lính Mỹ tại Iraq và Afghanistan, qua đó hạ quân số tại mỗi nước xuống khoảng 2.500 người.

Từ đầu tháng 4-2021, Tổng thống J.Biden cũng yêu cầu Lầu Năm Góc rút lực lượng và thiết bị vũ khí Mỹ ra khỏi Vịnh Persian. Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn hoài nghi vào hiệu quả của việc rút quân, khi Mỹ chưa có lộ trình cụ thể nào được đưa ra. Đây cũng không phải lần đầu tiên Mỹ rút lực lượng khỏi Iraq trong cuộc chiến kéo dài 18 năm.

Cựu Tổng thống Barack Obama từng rút toàn bộ quân đội chính quy khỏi quốc gia Trung Đông hồi tháng 12-2011, nhưng sau đó buộc phải đưa trở lại vào năm 2014 khi các tay súng IS phát động tấn công, chiếm giữ những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq.

Việc rút quân lúc này cũng có mâu thuẫn với mong muốn kiềm chế sức ảnh hưởng của Iran - nỗ lực Washington không ngừng theo đuổi, đặc biệt quyết liệt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Thêm vào đó, lực lượng Mỹ tại Iraq gần đây liên tục bị uy hiếp tấn công, khiến hình ảnh của nền quân sự hàng đầu thế giới bị tổn hại, đặc biệt là trước các đồng minh Trung Đông.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại về việc khoảng trống kiểm soát tại Iraq sẽ tạo cơ hội để tổ chức khủng bố có thể sẽ trỗi dậy, đặc biệt là IS - lực lượng mà Mỹ đã tuyên bố đánh bại hồi tháng 3-2019 nhưng gần đây có dấu hiệu hoạt động trở lại. Nguy cơ này có phần gia tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu phải đình chỉ việc huấn luyện binh sĩ Iraq từ đầu năm 2020.

Có thể thấy, việc Mỹ rút lực lượng chiến đấu khỏi Iraq không đồng nghĩa tiến trình ổn định tình hình tại quốc gia này. Bạo lực và bất ổn đã kéo dài từ khi cựu Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, khiến quốc gia Trung Đông không thể thành lập một chính phủ ổn định và các thể chế có khả năng bảo vệ công dân. Điều này khiến nhiều ý kiến quan ngại, sau khi Mỹ rời đi, Iraq sẽ bị giằng xé giữa các quan điểm trái chiều về quan hệ với Iran và Mỹ, đối mặt nguy cơ rơi trở lại sự cô lập. Dù vậy, thỏa thuận đạt được qua đối thoại lần này ít nhiều cũng sẽ “hạ nhiệt” căng thẳng đang leo thang giữa các phe phái chính trị trong nội bộ Iraq - vốn có nhiều lực lượng thân Iran.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ nhất trí rút lực lượng chiến đấu khỏi Iraq: ''Hạ nhiệt'' căng thẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.