(HNM) - Chỉ sau 10 ngày sau cuộc xuống đường của hàng nghìn người ở thị trấn Ferguson, bang Missouri, Mỹ - phản đối phán quyết của tòa quyết định không truy tố sĩ quan cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown - ngày 3-12 vừa qua, cả New York lại rung động trong một vụ tương tự.
Ít nhất 3.000 người đã biểu tình tại Quảng trường Thời đại sau khi Tòa án New York không truy tố viên cảnh sát da trắng Daniel Pantaleo, người hồi tháng 7-2014 đã ra tay siết cổ công dân Mỹ gốc Phi Eric Garner (43 tuổi) - bị nghi bán thuốc lá lậu tại đảo Staten, khiến ông E.Garner thiệt mạng. Không dừng lại tại New York, biểu tình lan tới nhiều thành phố khác của nước Mỹ. Dù không biến thành bạo động song các cuộc biểu tình cũng đủ khiến hoạt động giao thông đường bộ và đường sắt tại nhiều khu vực của nước Mỹ bị tê liệt.
Người biểu tình nằm trên sàn nhà ga Grand Central Terminal ở Manhattan đòi công lý cho Eric Garner. |
Trước tình hình trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa phải xuất hiện để trấn an dư luận, đồng thời nhận định, những vụ việc tương tự gần đây đang khắc sâu thêm sự mất lòng tin của cộng đồng người Mỹ gốc Phi với lực lượng cảnh sát phần đông là người da trắng ở Mỹ. Trong một tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cam kết sẽ điều tra toàn diện về vụ việc tại New York. Theo đó, cuộc điều tra sẽ tập trung tìm hiểu liệu cảnh sát Pantaleo có thực sự đã khống chế quá mạnh tay dẫn đến cái chết của nạn nhân E.Garner hay không.
Tuy nhiên, E.Garner chưa phải là vụ cuối cùng. Ngày 4-12, một cảnh sát da trắng lại vừa bắn chết một thanh niên da màu tại thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ. Sở Cảnh sát Phoenix cho biết vụ việc xảy ra khi viên cảnh sát đến điều tra hoạt động liên quan đến ma túy ở bên ngoài một cửa hàng và xảy ra đụng độ với đối tượng tình nghi Rumain Brisbon. Trong lúc xô xát, viên cảnh sát đã nổ súng vào Brisbon do lầm tưởng đối tượng định rút súng trong túi ra chống cự. Kết quả điều tra sau đó cho thấy trong túi nạn nhân chỉ có một vài viên thuốc. Gia đình Brisbon đã lên tiếng cáo buộc viên cảnh sát về tội bắn chết người không có vũ trang, đồng thời tuyên bố sẽ theo đuổi vụ kiện.
Có thể nói nước Mỹ đang trải qua những thời khắc khó khăn do các cuộc biểu tình và bạo loạn chưa từng thấy trong nhiều năm gần đây. Đợt 1 là vào tháng 8-2014, ngay sau khi xảy ra sự việc viên cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết thanh niên da màu Michael Brown ở thành phố Ferguson, hạt St.Louis, bang Missouri (Mỹ). Đợt 2 là vào cuối tháng 11 vừa qua, ngay sau phán quyết của bồi thẩm đoàn hạt St.Louis, hàng nghìn người tham gia các cuộc biểu tình kết hợp với bạo động, không giới hạn trong thành phố Ferguson mà còn lan ra nhiều thành phố lớn khác trên toàn nước Mỹ đã làm tê liệt giao thông và xáo trộn cuộc sống thường nhật.
Từ nhiều thập kỷ nay, căng thẳng vẫn cứ âm ỉ giữa cảnh sát và những người gốc Phi trên khắp nước Mỹ. Một thực tế là không chỉ ở Ferguson, mà ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ cũng có sự phân biệt rõ rệt khu vực sinh sống của người da trắng và khu tập trung chủ yếu người da màu, kể cả ở thủ đô Washington D.C. Các khu vực tập trung đông người Mỹ gốc Phi thường được cho là ít an toàn hơn, có tỷ lệ tội phạm cao hơn và người da màu cũng khó kiếm việc làm hơn. Rõ ràng, dù có nhiều bước phát triển, vấn đề người da màu vẫn là "hố đen" trong bức tranh nhân quyền của nước Mỹ. Nạn phân biệt chủng tộc xem ra vẫn chưa được gột rửa sạch sẽ, ngay cả khi nước Mỹ đang "sở hữu" một vị tổng thống gốc Phi và một bộ trưởng tư pháp người da màu. Liên tiếp các vụ liên quan đến cái chết của những nạn nhân da màu của cảnh sát Mỹ - đa số là da trắng - không chỉ khiến người dân Mỹ phẫn nộ mà còn khiến dư luận quốc tế quan ngại sâu sắc. Ngày 4-12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng hối thúc chính quyền của Tổng thống B.Obama nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết để nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát. Theo nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, những vụ việc trên một lần nữa cho thấy chính quyền Mỹ cần sớm triển khai các biện pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhân viên thực thi luật pháp để đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Trước nạn phân biệt chủng tộc đã tồn tại nhiều thập kỷ ở xứ sở Cờ hoa một cách có hệ thống, liệu Tổng thống B.Obama có thể hóa giải mâu thuẫn sắc tộc ngay trong lòng nước Mỹ mà các tổng thống trước đã phải bó tay? Đây là một câu hỏi chưa có lời đáp bên cạnh nhiều thách thức đang chờ đợi vị tổng thống thứ 44 của Nhà trắng trong hai năm cuối của nhiệm kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.