Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ gây sức ép tối đa với Iran: Gánh nặng cho Thỏa thuận hạt nhân

Minh Hiếu| 20/08/2020 06:40

(HNM) - Mỹ vẫn đang tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm gây sức ép tối đa đối với Iran sau khi thất bại trong việc thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết mà Washington soạn thảo về việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu vô thời hạn đối với Tehran. Bước đi của xứ Cờ hoa đã đặt thêm gánh nặng lên Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vốn đã rất mong manh và khiến triển vọng cứu vãn cam kết lịch sử giữa các cường quốc thế giới với Iran càng trở nên xa vời.

Người dân Iran tham quan một triển lãm vũ khí và trang thiết bị quân sự ở thủ đô Tehran.

Điều khoản quy định về thời hạn ngừng cấm vận vũ khí đối với Iran đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra trong Nghị quyết 2231 về việc ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Theo điều khoản này, lệnh cấm vận kéo dài 13 năm của Liên hợp quốc, trong đó cấm xuất khẩu công nghệ liên quan tới hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân tới Iran, cấm Tehran xuất khẩu vũ khí và cấm các quốc gia bán vũ khí thông thường cho nước này sẽ hết hiệu lực vào ngày 18-10 tới. Do đó, giới chức Mỹ đã xây dựng một dự thảo nghị quyết nhằm kéo dài vô thời hạn các lệnh cấm vận này, thay thế cho nghị quyết cũ. 

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho thấy Washington chỉ nhận được lá phiếu ủng hộ duy nhất của Cộng hòa Dominica. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống trong khi toàn bộ 11 thành viên còn lại đều bỏ phiếu trắng. Ngay sau cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, Hội đồng Bảo an không hành động dứt khoát để bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời khẳng định Iran sẽ khiến tình hình hỗn loạn lan rộng hơn nữa nếu lệnh cấm vận vũ khí hết hiệu lực.

Trước kết quả này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran bằng cách sử dụng điều khoản “lùi” trong JCPOA. Cụ thể, khi có bên tham gia ký kết văn kiện này cho rằng Iran không tuân thủ cam kết, thì có thể yêu cầu Liên hợp quốc lên án Tehran và kích hoạt trở lại mọi biện pháp trừng phạt đã áp dụng như thời kỳ trước khi có JCPOA mà không cần đến sự đồng ý của các bên khác.

Trước khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết của Mỹ, Washington cũng đã gửi cho các thành viên bản ghi nhớ dài 6 trang, trong đó nêu rõ nước này vẫn là một bên của thỏa thuận năm 2015 và có quyền sử dụng điều khoản “lùi”.

Tuy nhiên, các bên còn lại lập luận rằng, xứ Cờ hoa đã từ bỏ quyền kích hoạt điều khoản này khi đơn phương rút khỏi JCPOA năm 2018. Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi cảnh báo, việc Hội đồng Bảo an áp đặt trở lại bất kỳ lệnh trừng phạt hay hạn chế nào sẽ bị Tehran đáp trả mạnh mẽ và không giới hạn. Mặt khác, Iran cũng đang có sự chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên sau khi lệnh cấm vận vũ khí hết hiệu lực. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami nhận định, các lệnh trừng phạt đã không thể kiềm chế ngành công nghiệp vũ khí của Iran và nước này có kế hoạch xuất khẩu vũ khí ngay sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt, Iran đã giảm cam kết của mình trong nhiều phần của thỏa thuận. Do đó, các nhà ngoại giao lập luận rằng, việc kích hoạt điều khoản “lùi” sẽ khiến Tehran mất động lực kiềm chế hoạt động hạt nhân của mình và khiến cam kết lịch sử được ca ngợi là thành tựu quan trọng của ngoại giao quốc tế này “chết yểu”.

Nhằm làm dịu tình hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của Nhóm P5+1 và Iran. Những nỗ lực ngoại giao trong vòng 2 tháng trước khi lệnh cấm vận vũ khí với Iran hết hiệu lực là hy vọng tìm ra các bước đi để tránh đối đầu và ngăn nguy cơ căng thẳng leo thang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ gây sức ép tối đa với Iran: Gánh nặng cho Thỏa thuận hạt nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.