(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký những văn kiện liên quan đến việc Washington dự định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Hiện chưa rõ Nhà Trắng đã đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này hay chưa khi các vòng tham vấn vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, sự kiện được nhận định có nguy cơ dẫn tới sự đổ vỡ của một trong những biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng tại châu Âu sau Chiến tranh Lạnh vốn đã tồn tại gần 3 thập kỷ qua.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào tháng 3-1992 tại Helsinki (Phần Lan) và có hiệu lực năm 2002. Hiện có 34 quốc gia thành viên tham gia văn kiện này, bao gồm Nga và phần lớn các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiệp ước cho phép các nước thành viên thực hiện các chuyến bay do thám trên không phận của nhau nhưng phải thông báo trước 72 giờ để nước chủ nhà có thời gian phản hồi, từ đó giúp tăng cường tính minh bạch, hỗ trợ giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, mở rộng khả năng ngăn chặn xung đột và quản lý các tình huống khủng hoảng.
Tuy nhiên, nhiều quan điểm từ Nhà Trắng cho rằng hiệp ước tạo điều kiện thuận lợi cho Nga có cơ hội thu thập thông tin tình báo của Mỹ. Ngoài ra, một số chuyên gia và quan chức chính quyền Mỹ lập luận, văn kiện đã không còn hữu ích do sự vi phạm của Mátxcơva khi Nga áp dụng các hạn chế đối với những chuyến bay quan sát nhất định trên bầu trời Kaliningrad, một vùng lãnh thổ của Nga trên biển Baltic cũng như các chuyến bay gần biên giới tranh chấp giữa Nga và Gruzia.
Đáp lại, năm 2016, Mỹ đã không cho phép Nga bay quan sát trên khu vực của Hạm đội Thái Bình Dương ở Hawaii và các địa điểm đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại Fort Greely, bang Alaska. Mới đây nhất, Washington cáo buộc Mátxcơva ngăn cản Mỹ và Canada thực hiện bay giám sát ở khu vực đang diễn ra tập trận thuộc miền Trung nước Nga vào ngày 20-9 vừa qua.
Trong thời gian dài, Hiệp ước Bầu trời mở được coi là công cụ giám sát lẫn nhau của cả Nga và Mỹ. Văn bản này đặc biệt hữu ích cho Mỹ và châu Âu trong việc giám sát các hoạt động của quân đội Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Bên cạnh đó, mục đích của hiệp ước cũng bao gồm cả ý nghĩa tốt đẹp khi các bên hợp tác chia sẻ dữ liệu thu thập được lẫn chi phí cho hoạt động này.
Do vậy, dự định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của chính quyền Tổng thống D.Trump đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía đảng Dân chủ. 11 thành viên Thượng viện Mỹ đã viết thư yêu cầu ông chủ Nhà Trắng không tiến hành bước đi này, cảnh báo rằng sự kiện có thể ảnh hưởng đến khả năng của quân đội Mỹ trong việc giám sát trên không đối với Nga và các quốc gia thành viên khác, đồng thời sẽ làm tổn hại tới các đồng minh của Mỹ. Thay vào đó, những nghị sĩ trên kêu gọi người đứng đầu Nhà Trắng bảo đảm Mátxcơva tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận.
Trong khi đó, các nhà phân tích nhận định, sự đổ vỡ của Hiệp ước Bầu trời mở sẽ làm gia tăng những rủi ro tiềm ẩn trong quan hệ giữa Nga với phương Tây. Động thái này của Mỹ cũng đánh dấu một bước lùi tiếp theo trong mối quan hệ vốn đã nhiều rạn nứt với Nga trong bối cảnh hai bên vừa khai tử Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)
và chưa dứt khoát về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) sắp hết hiệu lực vào năm 2021. Xét tới những gì đã diễn ra, một khi Mỹ tuyên bố rời bỏ Hiệp ước Bầu trời mở thì không có gì bảo đảm Nga sẽ không thực hiện hành động tương ứng. Khi đó, rất có thể Mátxcơva sẽ đóng cửa không phận đối với các chuyến bay giám sát của NATO. Đáng quan ngại hơn, khi mất thêm một cơ chế kiểm soát thì cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới đầy nguy hiểm giữa Mỹ và Nga lại tăng lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.