Các nghị sĩ Mỹ đã đề xuất dự luật mới nhằm kiềm chế sự gia tăng và sử dụng nội dung do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra và các nội dung giả mạo sâu (deepfake) nhằm bảo vệ tác phẩm của các nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhà báo.
Dự luật có tên "Đạo luật Bảo vệ và Toàn vẹn nội dung nguyên bản từ nội dung đã chỉnh sửa và giả mạo sâu" (viết tắt là COPIED) đã được trình lên Thượng viện Mỹ trong ngày 13-7 (giờ Việt Nam).
Theo Engadget, dự luật là một nỗ lực lưỡng đảng được ủy quyền bởi Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, Thượng nghị sĩ Maria Cantwell và Thượng nghị sĩ Martin Heinrich.
Dự luật COPIED, nếu được ban hành, sẽ mở đường cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) soạn thảo bộ tiêu chuẩn minh bạch, qua đó thiết lập các hướng dẫn nhận biết "thông tin xuất xứ nội dung, dấu watermark, nội dung tổng hợp".
COPIED cũng cấm sử dụng trái phép nội dung sáng tạo hoặc nội dung báo chí để đào tạo các mô hình AI hoặc tạo ra nội dung AI.
Ủy ban Thương mại Liên bang và Tổng chưởng lý các tiểu bang của Mỹ cũng sẽ có quyền thực thi các nguyên tắc trong COPIED. Các cá nhân có nội dung được khởi tạo hợp pháp nếu bị AI lạm dụng để tạo nội dung mới mà không có sự đồng ý hoặc trả thù lao thích hợp, sẽ có quyền khởi kiện các công ty hoặc tổ chức chịu trách nhiệm.
Dự luật thậm chí mở rộng cả quy định cấm giả mạo hoặc xóa thông tin xuất xứ nội dung trên các nền tảng internet, trong các công cụ tìm kiếm và với các công ty truyền thông xã hội.
Hiện tại, nhiều nhóm vận động của Mỹ đã lên tiếng ủng hộ đưa COPIED trở thành luật. Trong số này có những tên tuổi lớn như Nghiệp đoàn Diễn viên điện ảnh Mỹ (SAG-AFTRA), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ, Hiệp hội Phát thanh Truyền hình quốc gia Mỹ, Hiệp hội Nhạc sĩ Mỹ, và Hiệp hội Báo chí quốc gia Mỹ.
COPIED không phải là nỗ lực đầu tiên của Thượng viện Mỹ nhằm tạo ra khung hướng dẫn và luật cho việc sử dụng các nội dung AI vốn ngày càng gia tăng.
Hồi tháng tư, các nghị sĩ Mỹ cũng đệ trình một dự luật buộc các công ty sử dụng công nghệ AI phải liệt kê nguồn bản quyền đối với các nội dung trong bộ dữ liệu của họ. Tuy nhiên, dự luật này chưa được hiện thực hoá thành luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.