Trước các cuộc biểu tình nhằm phản đối vụ một người tị nạn da màu không vũ trang bị cảnh sát da trắng bắn chết tại thị trấn El Cajon, thành phố San Diego, bang California (Mỹ), ngày 30/9, cảnh sát thành phố đã công bố các đoạn video ghi lại cảnh tượng trên với hy vọng xua tan
Hình ảnh được chụp lại từ một đoạn video do cảnh sát El Cajon công bố. |
Đoạn phim do một chiếc camera giám sát và một chiếc điện thoại di động quay lại cho thấy nạn nhân Alfred Olango, 38 tuổi, một người tị nạn Uganda, đã bị 2 cảnh sát chặn lại tại khu vực đỗ xe của một khu mua sắm.
Ông Olango sau đó đã bị bắn khi cầm một vật hình trụ chỉ vào mặt một trong 2 cảnh sát. Vật này sau đó được xác định là một ống xịt không mùi.
Trao đổi với báo giới, Cảnh sát trưởng thị trấn Jeff Davis cho biết mục đích công bố các đoạn video trên là nhằm làm sáng tỏ cũng như phần nào có thể xoa dịu mối quan ngại của cộng đồng liên quan đến vụ nổ súng gần đây này.
Hai cảnh sát liên quan, có thâm niên 20 năm trong nghề, đã tạm thời bị đình chỉ công tác. Cũng theo ông Davis, gia đình nạn nhân Olango đã từ chối xem đoạn phim trên.
Trước đó, cảnh sát trưởng Davis cho biết vụ việc trên xảy ra khi hai cảnh sát nhận được thông báo về một người có dấu hiệu thần kinh không ổn định gây cản trở giao thông ở thị trấn El Cajon.
Ông Olango đã phớt lờ lời kêu gọi của cảnh sát bỏ tay khỏi túi quần và nhanh chóng rút ra một đồ vật. Người này sau đó có chắp hai tay vào nhau và có tư thế như cầm súng nhằm bắn cảnh sát. Một cảnh sát ngay lập tức bắn súng laser vào người này, trong khi viên cảnh sát còn lại nổ súng. Sau khi khám xét hiện trường, cảnh sát đã không tìm thấy vũ khí và cũng không tiết lộ đồ vật mà ông Orlando mang theo mình.
Việc công bố các đoạn video trên được đưa ra một ngày sau khi các cuộc biểu tình phản đối vụ việc đã biến thành bạo lực. Những người biểu tình đã tràn xuống các con phố và bắt đầu ném chai lọ cùng gạch đá vào các phương tiện giao thông và đập vỡ cửa kính ôtô. Một số cửa hàng đã phải đóng cửa trong ngày 30/9, trong khi các trường học đều cho học sinh nghỉ sớm do lo ngại tình trạng bạo lực.
Đây là cuộc biểu tình mới nhất liên quan đến căng thẳng sắc tộc tại Mỹ sau các vụ biểu tình bạo loạn kéo dài trong nhiều ngày tại hai thành phố Charlotte, bang North Carolina và Tulsa, bang Oklahoma để lên án các vụ việc tương tự.
Cùng ngày, Sở cảnh sát thành phố New York, lực lượng cảnh sát thành phố lớn nhất nước Mỹ, đã nhất trí đầu tư thêm 1.000 chiếc camera theo dõi cá nhân.
Quyết định này là nhằm kiểm soát lực lượng hành pháp và cung cấp thêm bằng chứng cho các điều tra sau khi liên tiếp xảy ra những vụ cảnh sát bắn chết người da màu tại nhiều khu vực trong nước.
Theo tờ Daily News, kế hoạch mua sắm này là một phần trong hợp đồng 5 năm trị giá 6,42 triệu USD giữa Sở cảnh sát New York và nhà sản xuất Vievu LLC có trụ sở ở Seattle.
Việc trang bị camera cá nhân cho lực lượng cảnh sát New York bắt đầu vào tháng 12/2014, 6 tháng sau khi xảy ra cái chết của người đàn ông da màu Eric Garner liên quan đến cảnh sát, làm bùng phát các cuộc biểu tình. Chiếc camera này khá nhỏ gọn, chống nước, chống sốc tốt và có thể dễ dàng gắn trên đồng phục cảnh sát để giám sát mọi hành động của cảnh sát./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.