(HNMO) - Sau nhiều thập kỷ không cập nhật các chương trình vũ khí hạt nhân, chính phủ Mỹ đang đứng trước một thử thách mới sau khi Tổng thống Barack Obama chấp thuận dành khoản chi hơn 1.000 tỷ USD hồi tháng 2 cho việc hiện đại hoá.
Dĩ nhiên, đây không phải nỗ lực nhằm mở rộng quy mô các loại vũ khí mà đơn thuần chỉ là các hoạt động "lên đời" cho hệ thống quản lý, vận hành... Trong đó, bao gồm cả việc ngừng sử dụng những công nghệ cũ kỹ (như vẫn dùng đĩa mềm để xác nhận kích hoạt tên lửa), đồng thời xây dựng hệ thống kết nối các tên lửa với nhau thông qua một mạng máy tính nội bộ của quân đội Mỹ.
Trong suốt năm 2017, đội đặc nhiệm thuộc Ban Tư vấn khoa học Không quân Mỹ với 50 người sẽ chịu trách nhiệm đánh giá những rủi ro trong việc nâng cấp. Theo Trưởng Ban Werner JA Dahm, trong số các vũ khí được nâng cấp có cả máy bay ném bom tàng hình B-21, tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân... "Những hệ thống mới sẽ rất khác biệt với những gì mà chúng thay thế" - ông Dahm nói - "Cụ thể, chúng sẽ có nhiều tương đồng với các hệ thống công nghệ hiện đại, điển hình là khả năng kết nối với nhau, tương tác trong môi trường mạng".
Dĩ nhiên, khi các vũ khí hạt nhân được kết nối, vấn đề an ninh và bảo mật sẽ là một lo ngại lớn. Nhiều ý kiến cho rằng những rủi ro như vô tình khai hoả hoặc bị lộ dữ liệu điều khiển cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Đây cũng chính là trách nhiệm của Ban Tư vấn khoa học Không quân Mỹ. Họ sẽ phải phát hiện những nguy cơ tiềm tàng và đưa ra giải pháp khắc phục toàn diện trước khi toàn bộ quy trình nâng cấp được tiến hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.