Các vụ tấn công gần đây nhắm vào thường dân ở Mỹ và châu Âu cho thấy các cơ quan tình báo không thể phát hiện và ngăn chặn âm mưu của những kẻ tấn công kiểu “sói đơn độc” bị bệnh tâm thần.
Reuters ngày 24.7 dẫn lời các quan chức chống khủng bố Mỹ và châu Âu (đề nghị không công bố danh tính) cho biết những kẻ tấn công đơn lẻ hay còn gọi là “sói đơn độc” thường có tiền sử bị bệnh tâm thần.
Các vụ tấn công gần đây nhắm vào thường dân ở Mỹ và châu Âu cho thấy các cơ quan tình báo không thể phát hiện và ngăn chặn âm mưu của những kẻ tấn công kiểu “sói đơn độc” bị bệnh tâm thần. |
Về mặt chiến lược và pháp lý, các điều tra viên chống khủng bố trên toàn cầu thường tập trung vào những mưu tấn công của các nhóm khủng bố, chẳng hạn tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ở Mỹ, luật pháp được lập ra để bảo vệ quyền riêng tư của công dân nên các điều tra viên chỉ có thể theo dõi những nghi phạm có dính líu các tổ chức khủng bố.
Các quan chức chống khủng bố cho hay những kẻ tấn công trong những vụ giết người hàng loạt gần đây đều có tiền sử bị bệnh tâm thần. Những vụ tấn công này bao gồm: vụ xả súng ở hộp đêm dành cho người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida; vụ giết hại nữ nghị sĩ Anh ở phía bắc nước này; vụ giết chết cảnh sát ở thành phố Baton Rouge, bang Louisiana và thành phố Dallas, bang Texas; vụ tấn công bằng xe tải ở thành phố Nice (Pháp); và vụ xả súng ở trung tâm mua sắm thành phố Munich, Đức.
Ngày 23.7, ông Hubertus Andrae, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Đức cho biết tay súng tấn công Munich, được nhận dạng trong các bản tin thời sự là Ali David Sonboly, từng phải trị liệu tâm lý trước vụ tấn công và y tỏ ra mê muội với những vụ giết người hàng loạt. Ali không có tiền án tiền sự và cũng không dính líu bất kỳ tổ chức khủng bố hay cực đoan nào, theo ông Andrae. Ali, một thanh niên Đức gốc Iran 18 tuổi, đã giết chết 9 người sau khi nã súng ở trung tâm mua sắm Olympia, Munich tối 22.7 rồi sau đó tự sát.
Chiến thuật trong những vụ tấn công kể trên hoàn toàn trái ngược với những vụ tấn công ở Paris (Pháp) hồi tháng 11.2015 và thủ đô Brussels (Bỉ) vào tháng 3.2016, vốn do các nhóm dính líu IS thực hiện.
Các hệ thống hiện hành nhằm thu thập thông tin tình báo về các phần tử cực đoan không được thiết lập để nhận dạng những cá nhân có tiền sử bị bệnh tâm thần. Những cá nhân này nếu tiếp xúc với các phần tử cực đoan có nguy cơ bị chúng kích động để tiến hành những vụ tấn công, theo các quan chức tình báo.
Trong vụ tấn công Orlando ngày 12.6 khiến 49 người chết, kẻ tấn công đã xem những tài liệu tuyên truyền của IS, theo phát hiện của các điều tra viên. Nhưng các cuộc điều tra sau đó không phát hiện bất kỳ chứng cứ nào cho thấy Omar Mateen, kẻ tấn công ở Orlando, có dính líu IS hay bất kỳ tổ chức khủng bố nào.
Cảnh sát Pháp cũng đã bắt giữ 5 đối tượng tình nghi là đồng phạm của kẻ tấn công ở Nice, nhưng đến nay cũng không tìm thấy chứng cứ cho thấy kẻ tấn công có dính líu IS, dù IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công Nice khiến 84 người chết vào ngày quốc khánh Pháp 14.7.
Vụ tay súng Mateen có thể là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy các cơ quan tình báo khó có thể phát hiện và ngăn chặn âm mưu tấn công của những đối tượng “sói đơn độc” có tiền sử bị bệnh tâm thần.
Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng trong khoảng 10 tháng giữa năm 2013-2014, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã điều tra Mateen, tình nghi y có cấu kết với những đồng nghiệp có dính líu mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Trong quá trình điều tra, FBI đã liệt Mateen vào ba danh sách nghi phạm khủng bố trong kho dữ liệu của chính phủ Mỹ.
Nhưng vì không thể tìm được chứng cứ cho thấy Mateen thật sự dính líu khủng bố, FBI quyết định hủy điều tra và dỡ bỏ tên người này khỏi danh sách, hai quân chức tình báo Mỹ tiết lộ với Reuters.
Các quan chức Mỹ nói quyết định trên là tuân thủ luật pháp Mỹ, theo đó giới hạn việc chính phủ do thám tất cả người dân Mỹ. CIA và cả Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ không được phép bí mật theo dõi bất kỳ nghi phạm người Mỹ nào nếu không có chứng cứ cho thấy nghi phạm dính líu các tổ chức khủng bố.
Khoảng ba tuần trước vụ thảm sát Orlando, Mateen nói với một người thân rằng anh ta mệt nhoài vì thức trắng nhiều đêm nghiên cứu các loại thuốc trị liệu tâm thần, người thân giấu tên cho Reuters hay. Mateen nói với người này rằng anh ta lo sợ bị bệnh tâm thần.
Cảnh sát Mỹ cho hay đang điều tra theo hướng những kẻ tấn công cảnh sát ở Baton Rouge và Dallas có bị bệnh tâm thần hay không. Trong cả hai vụ tấn công, những kẻ nổ súng bắn cảnh sát đều thể hiện dấu hiệu có khả năng bị bệnh tâm thần.
Luật sư đại diện cho Micah Xavier Johnson, tay súng ở Dallas, cho AP biết Johnson từng bị cáo buộc lạm dụng tình dục một nữ binh sĩ, và nạn nhân trước tòa từng đề nghị hỗ trợ Johnson “về mặt sức khỏe tâm thần”.
Cảnh sát khám nghiệm chiếc xe tải 19 tấn đã lao vào đám đông, khiến ít nhất 84 người chết ở thành phố Nice REUTERS |
Trong khi đó, Gavin Long - kẻ xả súng ở Baton Rouge - nói với bạn bè và người thân rằng anh ta bị rối loạn stress sau sang chấn, theo đài CNN (Mỹ).
“Nhận diện những người bị bệnh tâm thần có âm mưu tấn công giết người hàng loạt là điều cực kỳ khó khăn”, ông Paul Pillar, một cựu chuyên gia phân tích của CIA nhận định.
Vụ xả súng bắn cảnh sát Dallas diễn ra sau những vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da màu ở Minnesota và Louisiana. Nghi phạm ở Dallas trong lúc đối đầu với cảnh sát đã tuyên bố anh ta muốn giết cảnh sát da trắng để trả đũa những vụ cảnh sát bắn chết người da màu ở Mỹ.
Heather Brooks - một người từng đi lính cùng Johnson ở Afghanistan - lại cho rằng vụ tấn công Dallas cho thấy Johnson bị bệnh tâm thần. “Đây không phải là phân biệt chủng tộc, mà là bệnh tâm thần, không được kiểm tra và không được chữa trị”, Brooks viết trên Facebook, theo tờ Dallas Morning News (Mỹ).
Trong khi đó, nghi phạm trong vụ tấn công Baton Rouge lại đăng tải video lên mạng, nhấn mạnh chỉ có trả đũa bằng bạo lực mới có thể ngăn chặn cảnh sát giết dân da màu.
Trước những vụ tấn công chết người ở Munich, Nice, Baton Rouge, Dallas và Orlando, các quan chức ở Mỹ và châu Âu cho biết họ bị quá tải khi cố nhận dạng và theo dõi những nghi phạm được IS huấn luyện và trở về nước để thực hiện âm mưu tấn công khủng bố, và mất tập trung đối với những đối tượng khác.
Chẳng hạn, cơ quan tình báo Anh MI5 cố thu thập thông tin những công dân Anh gia nhập IS từ Syria trở về nước, nhưng lại không thu thập dữ liệu về những phần tử cực đoan cánh tả ở nước Anh. Chính vì thế, các quan chức chống khủng bố Anh không để ý đến Thomas Mair, một người đàn ông có tiền sử bị bệnh tâm thần, đã bắn chết nữ nghị sĩ đảng Lao động Jo Cox hồi tháng 6.2016.
“Các tổ chức khủng bố vốn đã khó bị phát hiện và ngăn chặn, nhưng những cá nhân tự cực đoan hóa với tiền sử bị bệnh thần kinh lại càng khó phát hiện hơn”, cựu giám đốc CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), ông Michael Hayden nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.