(HNM) - Nước Mỹ đã đón lễ Ngày Độc lập (Quốc khánh) lần thứ 245 một cách trọn vẹn với lễ hội, âm nhạc và tâm lý vui tươi, lạc quan sau một năm gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Sự kiện này được xem như bước khởi đầu tốt đẹp để nền kinh tế hàng đầu thế giới bước vào chặng đường mới của sự phục hồi và phát triển...
Phát biểu tại bữa tiệc trước 1.000 quan khách - sự kiện lớn nhất tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1-2021, Tổng thống Joe Biden bày tỏ tiếc thương 600.000 người Mỹ thiệt mạng do đại dịch; đồng thời ca ngợi sự đóng góp thầm lặng của những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố: "Nước Mỹ đã trở lại" và nhấn mạnh xứ Cờ hoa đã ở rất gần thời điểm để có thể “tuyên bố độc lập” khỏi Covid-19. Tổng thống J.Biden khẳng định “vi rút không thể làm tê liệt nước Mỹ”.
Phát biểu tại Hội trường Độc lập ở thành phố Philadelphia (Pennsylvania), đệ nhất phu nhân Jill Biden cũng bày tỏ lạc quan rằng "mây mù đã tan" sau quãng thời gian chạy đua đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân trưởng thành của xứ Cờ hoa trước Quốc khánh.
Tâm lý lạc quan lan tỏa khắp nước Mỹ. Bên ngoài Nhà Trắng, hàng rào an ninh đã được dỡ bỏ, du khách có thể lại gần ngắm nhìn, thong dong thả bộ. Pháo hoa là điểm nhấn của ngày lễ, với hai trong số những buổi trình diễn quy mô lớn nhất được tổ chức rầm rộ ở thủ đô Washington và thành phố New York - nơi từng là điểm nóng của nước Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19. Các cuộc tuần hành, hoạt động biểu diễn được tổ chức đồng loạt ở khắp nơi. Dịp lễ còn là thời điểm để người Mỹ trải nghiệm cảm giác tự do khi được hòa nhập với bạn bè và tận hưởng mùa hè vui vẻ sau thời gian dài thực hiện các lệnh giãn cách xã hội.
Hiệp hội Ô tô Mỹ ước tính, Ngày Độc lập năm nay chứng kiến khoảng 43,6 triệu người Mỹ ngồi sau tay lái trên những cung đường, nhiều hơn 5% so với kỷ lục thiết lập năm 2019. Cùng với đó, khoảng 3,5 triệu người Mỹ cũng sẽ chọn đi du lịch bằng đường hàng không, tương đương 90% số lượng hành khách trước đại dịch.
Không khí lễ hội không chỉ tô điểm cho ngày kỷ niệm trọng đại của nước Mỹ, mà còn đánh dấu giai đoạn khởi sắc mới đối với doanh nghiệp và kinh tế của nước này. Bộ Lao động Mỹ ngày 2-7 công bố số việc làm trên toàn quốc đã tăng đáng kể trong bối cảnh doanh nghiệp bắt đầu nhịp phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Mức lương của người lao động cũng tăng 2% trong năm qua. Tổng thống J.Biden cho rằng, những tín hiệu tích cực này cho thấy Kế hoạch giải cứu nước Mỹ (American Rescue Plan) trị giá 1.900 tỷ USD và chiến dịch tiêm chủng toàn quốc đã thành công rực rỡ.
Dù hòa chung niềm vui với người dân nước Mỹ, nhưng các chuyên gia y tế cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn do những tác động dài hạn của đại dịch. Nhiều người lo ngại kỳ nghỉ lễ lần này có thể đẩy nhanh tốc độ lây nhiễm của biến thể Delta, đặc biệt tại những khu vực tỷ lệ tiêm chủng thấp. Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 34,5 triệu người nhiễm Covid-19, bất chấp những nỗ lực từ phía chính phủ dựa trên quan điểm vắc xin là "phòng tuyến" tốt nhất trước các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.
Cùng với đó, nước Mỹ vẫn còn nhiều "nút thắt" và khó khăn trong việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp. Nhiều nhà kinh tế lo ngại về nguy cơ lạm phát có thể vượt tầm kiểm soát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), nếu thị trường và người tiêu dùng tiếp tục lệ thuộc vào các khoản hỗ trợ từ chính phủ.
Không thể phủ nhận Ngày Độc lập đã xóa tan sự u ám kéo dài, thổi bùng tâm lý tích cực trên toàn nước Mỹ. Đây được xem là "liều thuốc tăng lực" để nền kinh tế hàng đầu thế giới bước vào chặng đường phục hồi và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.