(HNM) - Sau một thời gian đùn đẩy, cuối cùng trách nhiệm chỉ huy chiến dịch quân sự tại Libya cuối tuần qua cũng đã được liên minh tấn công Libya trao cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong dự báo chiến trường tại quốc gia Bắc Phi này sẽ "tăng nhiệt" trong những ngày tới và khi Mỹ không phải lúc nào cũng có thể gánh vác mọi việc lớn nhỏ thì sự kiện Washington "né" vai trò "cây gậy chỉ huy" thường thấy có lẽ là một tính toán khôn ngoan. Bước lùi này vừa giúp hình ảnh hiếu chiến của "chú Sam" đỡ nặng nề hơn trong thế giới Arab; đồng thời giúp ông chủ Nhà Trắng giảm bớt được sức ép của dư luận trong nước đang ngày càng dâng cao về việc tham chiến trong bối cảnh nền kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn. Đó là chưa kể đến "bãi lầy" Afghanistan hay Iraq vẫn đang là nỗi ám ảnh với người dân Mỹ. Tuy nhiên, không hẳn là Mỹ sẽ thực sự chấp nhận một vị thế "khiêm tốn" tại mảnh đất chiến lược trên bàn cờ địa - chính trị trong thế kỷ XXI này.
Cuộc chiến đường phố, lấy cảm hứng từ "Cách mạng hoa nhài" ở Tunisia đang thiêu đốt khắp Bắc Phi thời gian qua là cơ hội để Mỹ cùng đồng minh phương Tây nhổ đi "cái gai" Libya; đồng thời mở rộng đề án "Trung Đông lớn" mà Washington vẫn ấp ủ lâu nay.
Trên thực tế khái niệm "Trung Đông lớn" đã hình thành từ khoảng 20 năm cuối thế kỷ trước nhằm thay đổi biên giới của 24 quốc gia, từ châu Phi, Trung Đông tới Trung Á, làm bàn đạp để Mỹ mở rộng quyền kiểm soát trên lục địa Á-Âu. Tuy nhiên, mục đích trước hết và quan trọng nhất của đề án là bảo đảm duy trì nguồn cung dầu mỏ liên tục, thường xuyên cho Mỹ từ khu vực này. Vì theo dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ, đến năm 2025, khoảng 2/3 nhu cầu dầu mỏ của Mỹ sẽ phụ thuộc vào các quốc gia nhóm "Trung Đông lớn". Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hiện nay lại có nhiều căn cứ quân sự chủ yếu của Mỹ đến vậy - 10 sân bay quân sự và nhiều căn cứ hải quân quy mô lớn - tại khu vực này.
Vì thế, cuộc can thiệp quân sự của phương Tây nhằm vào Libya về cơ bản không khác gì cuộc chiến do Mỹ đã phát động chống Iraq năm 2003. Với Iraq, Nhà Trắng đã tạo cớ Baghdad tàng trữ vũ khí hủy diệt đe dọa các nước vùng Vịnh. Còn với Libya, phương Tây viện cớ "bảo vệ thường dân" để mở các cuộc tấn công. Tuy cách tạo cớ không giống nhau và kịch bản cũng có khác, nhưng xem ra mục đích chỉ là một. Đó là mưu toan chiếm đoạt lợi thế địa - chiến lược và kinh tế. Để đạt được điều đó, việc quyết loại đi một đối thủ để thiết lập chính quyền mới nằm trong vòng ảnh hưởng của phương Tây như đang diễn ra xem ra chỉ còn là vấn đề thời gian. Nay yếu tố thời gian đó đã ở trong tầm tay kẻ mạnh và cuộc "bảo vệ dân thường" bỗng chốc mở màn cho một cuộc chiếm đóng không tuyên bố. Đây là lý do dù chỉ tham gia "hạn chế" tại Libya song lực lượng quân đội cùng những đóng góp của Mỹ đã chiếm tới gần một nửa so với tất cả liên minh.
Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc "ra mặt" của Nhà Trắng tới đây sẽ phụ thuộc vào hiệu quả chiến dịch "Bình minh Odyssey". Nếu mọi sự diễn ra như dự định ban đầu, tức là sẽ thêm vài tuần không kích nữa, chủ yếu là do không lực Anh, Pháp và các nước thực hiện đem lại hiệu quả lật đổ chế độ hiện hành ở Libya. Qua đó, Tổng thống Barack Obama sẽ "bảo toàn" được những tính toán hiện thời. Tuy nhiên, như những gì Mỹ và đồng minh đã và đang rút ra được từ các cuộc chiến trước và ngay ở Libya hiện nay là chỉ dùng không lực sẽ không thể khuất phục được một đối thủ đầy quyết tâm như Tổng thống Muammar Gaddafi. Và ngay cả khi các cuộc không kích nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công quy mô lớn từ quân đội của "Ngài Đại tá" vào phe đối lập thành công thì mối hiểm nguy vẫn còn đó. Không loại trừ khả năng nhà lãnh đạo Libya sẽ chuyển sang các chiến thuật kín đáo hơn để trấn áp phe đối lập vốn chưa đủ mạnh và không được tổ chức tốt và thống nhất. Như vậy, khả năng Mỹ và phương Tây không ngần ngại đưa bộ binh vào Libya là cánh cửa còn để ngỏ. Điều này đã được nhắc đến trong 24 giờ qua từ các nguồn tin tại châu Âu với mục tiêu duy nhất và xuyên suốt của phương Tây là lật đổ Chính phủ Gaddafi.
Mưu toan chiến lược đang ngày càng lộ rõ trên bờ Địa Trung Hải và sứ mệnh chỉ huy cuộc chiến tại Libya chỉ là chiến thuật nhất thời của một liên minh quân sự nhằm có bằng được vựa dầu Libya.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.