Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muôn vàn kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những tư liệu lần đầu công bố

Hoàng Lân - Quang Thái| 31/08/2019 15:29

(HNMO) - Khi 3 bức thư được đánh giá là có tầm quan trọng liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 1946-1975 và sau này lần đầu tiên được công bố tại Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”, nhiều người dân và du khách quốc tế đã tìm đến Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với mong muốn được tìm hiểu kỹ hơn những năm tháng lịch sử mà Bác hoạt động cách mạng ở trong và ngoài nước.

Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” trong khuôn viên của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những bức thư lịch sử

Ngày đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đón lượng khách tham quan đáng kể. Trận mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 4 từ đêm qua không làm ảnh hưởng đến kế hoạch thăm Lăng Bác và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhân dân và khách nước ngoài.

Từng đoàn người trật tự nối nhau vào khu di tích. Rất nhiều người trong số họ dừng chân khá lâu tại khu vực trưng bày triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”.

Hơn 100 bức ảnh, tài liệu quý giá được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ba cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ cung cấp. Trong đó, nhiều tài liệu quý giá lần đầu công bố thu hút sự quan tâm của người dân và du khách tham quan.

Trong số hơn 100 bức ảnh, tư liệu trưng bày tại triển lãm, đáng chú ý có 3 bức thư được đánh giá là có tầm quan trọng liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong suốt giai đoạn 1946-1975 và sau này.

Bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 18-1-1946

Trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 18-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về “những hệ lụy đối với an ninh thế giới từ sự xâm lược của Pháp vào Việt Nam”.

Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ đã không phúc đáp bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi khi ấy Pháp đang là đồng minh của Hoa Kỳ. Sự im lặng của Tổng thống Truman đã dự báo trước một tương lai mà Việt Nam sẽ phải đối diện, đó là việc Hoa Kỳ nhảy vào thế chân Pháp xâm lược Việt Nam.

Năm 1969, Hoa Kỳ chịu nhiều tổn thất nặng nề trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Trên thế giới, phong trào phản chiến cũng lan tỏa mạnh mẽ, nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn cầu đã bày tỏ sự phản đối gay gắt cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Hoa Kỳ gây ra cho Việt Nam.

Ngày 15-7-1969, Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Richard Nixon đã gửi bức thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Thư của Tổng thống Richard Nixon gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam (năm 1969)

Trong thư Tổng thống Nixon viết: “Giờ là lúc cần tiến tới bàn đàm phán để thảo luận về một giải pháp sớm cho cuộc chiến tranh tàn khốc này... Hãy để lịch sử ghi lại thời khắc quan trong này khi hai bên cùng nhìn về hòa bình thay vì xung đột và chiến tranh”.

Ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy sức khoẻ rất yếu, nhưng Người đã viết thư phúc đáp Tổng thống Richard Nixon với lời lẽ đanh thép, thể hiện rõ ý chí giành độc lập đến cùng của nhân dân Việt Nam. 

Bức thư phúc đáp Tổng thống Nixon của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào ngày 25-8-1969. Tám ngày sau khi viết bức thư này, Bác đã ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Thư có đoạn: "Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hi sinh gian khổ để bảo vệ tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… "

Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn bày tỏ: "Trong thư, ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam, phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự".

Tám ngày sau khi gửi thư phúc đáp Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi vào cõi vĩnh hằng trong lòng tiếc thương vô hạn của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. 

Sống cùng lịch sử

Triển lãm "Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”chia làm ba phần: Quê hương, gia đình và thời thơ ấu; Người thanh niên yêu nước, người chiến sĩ cách mạng và vị lãnh tụ thiên tài; Bản Di chúc thiêng liêng: Sự kết tinh tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Du khách chăm chú xem triển lãm.

Ở đó, người dân được hiểu rõ hơn quãng đời hoạt động cách mạng của Bác từ khi còn là chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành cho đến quãng thời gian hoạt động của Người tại Pháp, Liên Xô… Nhiều tài liệu do Lưu trữ Liên bang Nga, Pháp, Hoa Kỳ cung cấp góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu vô giá về con người, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ.

Thông tin tình báo về Nguyễn Tất Thành của Sở Mật thám Đông Dương (Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp).

Trong số này có những tài liệu từng là “mật” như thông tin tình báo về Nguyễn Tất Thành của Sở Mật thám Đông Dương (do Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp cung cấp). Tại đây, công chúng được xem “Bản thông tin cá nhân” về Nguyễn Ái Quốc với những hình ảnh Bác Hồ khi còn trẻ mà mật thám Pháp thu thập được.

Người xem cũng lần đầu được thấy bức thư ngày 25-11-1932 của Lãnh sự Pháp tại Hongkong Soulange Teissier gửi Toàn quyền Đông Dương về Nguyễn Ái Quốc. Thậm chí có cả Tiểu dẫn về các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ khi sinh ra đến năm 1943 của Cơ quan Liên lạc với người bản xứ thuộc lãnh thổ của Pháp ở Hải ngoại…

Thẻ lập hồ sơ của sinh viên Lin (Nguyễn Ái Quốc) được viết tại Hội đồng xét tuyển Trường quốc tế Lênin (Viện Lưu trữ Lịch sử Chính trị Xã hội quốc gia Nga).

Thư của Lãnh sự Pháp tại Hong Kong gửi Toàn quyền Đông Dương về Nguyễn Ái Quốc.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu hình ảnh toàn cảnh Quảng trường Ba Đình ngày Quốc khánh 2-9-1945; nhiều hình ảnh về sự gần gũi, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân cả nước; bản Di chúc 10 trang viết tay mà Người viết từ năm 1968...

Quảng trường Ba Đình trong sáng 2-9-1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia tát nước chống hạn tại cánh đồng Quai Chảo, làng Tó, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội năm 1958.

Anh Vongvilai Inthasanh (Lào) lần thứ hai trở lại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 5 năm, cho biết, rất nhiều học sinh Lào, trong đó có anh khi đến Việt Nam đều đến thăm Lăng Bác, thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm hiểu thông tin về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

“Qua triển lãm, tôi được xem nhiều tài liệu, hình ảnh quý giá về Bác Hồ. Đây là những thông tin vô cùng ý nghĩa không chỉ đối với người dân mà còn cho những người muốn nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, anh Vongvilai Inthasanh nói.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lần thứ ba thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị Lê Thùy Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) vô cùng xúc động khi ngắm nhìn những bức ảnh tư liệu về Bác Hồ. "Đây là những tư liệu quý giá mà những người làm lưu trữ đã dày công gìn giữ để thế hệ chúng tôi khi xem lại, càng thêm kính yêu và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, chị Ngân bày tỏ.

Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” với những tài liệu quý giá về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoạt động ý nghĩa nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Bác và kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2-9. Triển lãm kéo dài đến ngày 7-9.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Muôn vàn kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những tư liệu lần đầu công bố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.