Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muốn có những bộ phim lịch sử hay phải có chiến lược toàn diện

Hải Giang| 17/05/2015 07:36

(HNM) - Trong đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn và tuần phim về Bác Hồ được tổ chức trong tháng 5 này, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng có hai bộ phim được trình chiếu là


- Anh vừa có chuyến rong ruổi qua nhiều miền của đất nước. Đây là bước chuẩn bị bối cảnh của một bộ phim mới hay đơn thuần chỉ là nhu cầu "đi, khám phá" của người làm nghệ thuật thứ bảy?

- Hiểu theo cách nào cũng được. Tôi thường hay có những chuyến lang thang như vậy. Đi, đơn thuần chỉ là để quan sát, cũng là cách ghi nhận những vùng đất, chi tiết đời sống phù hợp với một câu chuyện của một bộ phim nào đó mà mình sẽ làm.

Một cảnh trong phim Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng).



- Anh là đạo diễn trẻ có khá nhiều phim đề tài chiến tranh cách mạng, mới đây nhất là phim về Bác Hồ với tựa đề "Thầu Chín ở Xiêm". Như những gì đã thấy qua phim, có phải góc tiếp cận, cách xây dựng tình huống, những nhân vật giản dị mà gây xúc động... là "công thức" chung của Bùi Tuấn Dũng khi làm phim về đề tài này?

- Đó là cách mà cha ông ta đã sống, tôi chỉ tái hiện lại mà thôi. Các thế hệ người Việt trước đây từng sống, làm việc, bảo vệ Tổ quốc thì dẫu hào hoa đến mấy, anh hùng hay người bình thường đều giản dị vô cùng.

- Lợi thế lớn nhất của một người trẻ khi làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng là gì, thưa anh?

- Là sức khỏe. Trẻ thì phải khỏe. Một bộ phim của người trẻ có thể có nét vụng về, nhưng bao giờ cũng thể hiện cách tiếp cận mới và đôi khi điều đó đáng yêu hơn một bộ phim già dơ cũ kỹ. Phim cũng là người mà. Xem phim là biết cái tạng của đạo diễn.

- Thế đâu là cản trở lớn nhất khi anh làm phim về đề tài không dễ này?

- Là phát hành. Làm phim tử tế mà phát hành không tốt thì cũng chả để làm gì. Sau này, nếu một bộ phim về đề tài này mà không có kế hoạch phát hành rõ ràng thì chắc tôi sẽ không làm nữa.

- Chúng ta đã nói quá nhiều về câu chuyện phát hành! Có vẻ như nó làm nản lòng những người theo đuổi dòng phim không phải không thể làm hay nhưng lại khó đến với khán giả?

- Nếu không có cơ chế phát hành tốt thì không nên làm. Vì như thế sẽ dẫn đến lãng phí, tốn kém mà lại không hiệu quả. Ngay cả khi Nhà nước phát hành miễn phí thì cũng phải có một nguồn kinh phí đủ lớn để quảng bá và phát hành phim một cách chuyên nghiệp. Có như vậy thì mới mong các tác phẩm thuộc dòng phim này đến được với khán giả.

- Phát hành không tốt là một cản trở lớn. Nhưng ngay cả trong điều kiện chưa được như mong muốn thì các đạo diễn vẫn phải sáng tạo và nỗ lực hết sức. Thực sự có nhiều phim đã để lại ấn tượng đối với người xem. Hẳn là anh cũng có sự đồng cảm, yêu thích một số phim của các đạo diễn làm phim chiến tranh cách mạng, lãnh tụ nước ta?

- Tôi yêu thích nhiều nhà làm phim, như cố đạo diễn Hồng Sến, Hải Ninh, đạo diễn Đặng Nhật Minh, Khắc Lợi. Tôi thích cái chất Nam Bộ trong phim "Cánh đồng hoang"; thích cảm xúc tinh tế khơi gợi nhiều tầng nội tâm của người dân trong "Em bé Hà Nội". Thích cách kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Hà Nội mùa đông 46" và cách thể hiện trong "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông"...

- Vậy với dòng phim về chiến tranh, danh nhân thế giới, bộ phim nào mà anh cảm thấy thú vị?

- Là "Huyền thoại mùa thu của Mỹ" (Legends of the Fall). Đó là bộ phim kể về một gia đình Mỹ với những mâu thuẫn và nỗi đớn đau như nhiều gia đình Việt Nam. Tôi không thích bộ phim về danh nhân nào cả, đơn giản vì làm phim về họ rất khó, tính lịch sử nhiều khi chi phối và bóp chết sự sáng tạo trong khi bộ phim cần có sự buông thả thì mới có thể hướng tới cảm xúc chân thực.

- Anh nghĩ gì về xu thế khai thác các đề tài lịch sử, danh nhân của điện ảnh nói chung?

- Chức năng của phim truyện điện ảnh không phải là kể lại lịch sử, và nếu kể lại lịch sử thì có nhiều cách tiếp cận khác thú vị và đỡ tốn kém hơn nhiều. Tôi không thích cách đổ tiền làm phim hòng tái tạo lịch sử như hiện nay. Muốn có những bộ phim đề tài lịch sử hay thì phải có chiến lược toàn diện, từ xây dựng tác phẩm văn học, kịch bản điện ảnh... Thực tế là lớp trẻ chưa quan tâm nhiều đến lịch sử, đơn giản là vì trong cuộc sống hiện tại họ chưa nhận thấy rõ là kiến thức lịch sử giúp gì cho mình. Tới một lúc nào đó, khi mọi người quan tâm tới lịch sử nước nhà nhiều hơn thì nhu cầu về phim lịch sử sẽ rõ. Khi đó, tôi nghĩ Nhà nước không cần phải đổ tiền đầu tư nữa, người ta sẽ lao vào làm phim lịch sử ngay bởi đó là đề tài ăn khách...

- Ngoài đề tài này ra, anh quan tâm tới những câu chuyện nào của đời sống?

- Tôi quan tâm tới những đề tài mới, những thứ mang hơi thở cuộc sống hiện tại. Phim thì phải mang hơi thở và đời sống hiện tại. Và dù là đề tài có xưa như trái đất thì vấn đề của bộ phim tôi làm chắc cũng không cũ.

- Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Muốn có những bộ phim lịch sử hay phải có chiến lược toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.