(HNM) - Từ năm 2000 trở lại đây, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Văn đã gặt hái nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế uy tín. Nhưng điều quan trọng hơn là anh không ngừng mở rộng ống kính để tiếp cận thêm những mảng đời sống với cảm nhận riêng, giàu cá tính...
NSNA Việt Văn trong một chuyến công tác. |
- Thưa anh, Đại hội FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế) lần thứ 30 sắp diễn ra tại Hà Nội. Là một NSNA, anh có suy nghĩ gì nhân cuộc gặp mặt của những nghệ sĩ FIAP?
- Với quan điểm của tôi, vấn đề "chơi" cũng tốt và một khi FIAP được xác định là một sân chơi không chuyên thì chúng ta hãy nhìn nhận theo hướng ấy, không nên coi FIAP là chuẩn mực nhiếp ảnh quốc tế. Chỉ như vậy, chúng ta mới thấy hết và phát huy được tinh thần "chơi nhiếp ảnh" của FIAP. Và trong những cuộc "chơi" ảnh như thế, có thể xuất hiện những ý tưởng sáng tạo, những cảm hứng, phát hiện bất ngờ thú vị.
Đại hội FIAP lần thứ 30 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 2 đến 8-8 là một hoạt động giao lưu nhiếp ảnh quốc tế rất hữu ích, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
- Vậy theo anh, đâu là tiêu chí để đánh giá một NSNA chuyên nghiệp nói chung?
- Trước đây, có quan niệm rằng khi thu nhập chính của anh là từ nhiếp ảnh thì anh là tay máy chuyên nghiệp. Sau đó, khái niệm này được mở rộng hơn, NSNA chuyên nghiệp phải có quan điểm nghiêm túc về nghề, có khả năng tổ chức, thực hiện các dự án, triển lãm về nhiếp ảnh và có những trang thiết bị chuyên nghiệp. Đánh giá một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không nên chỉ căn cứ vào giải thưởng. Thi ảnh chỉ là một trong số nhiều dòng chảy nhiếp ảnh, dòng chủ lưu của người cầm máy chuyên nghiệp là thực hiện những dự án, triển lãm cá nhân và đi vào những vấn đề đương đại của cuộc sống. Khi đã mang mác "chuyên nghiệp" thì anh phải liên tục làm việc và biết chính xác công việc mình làm.
- Từng đoạt một số giải thưởng quốc tế uy tín ở Anh, Pháp, Mỹ, anh có thể nhận xét gì về sự khác nhau trong cách chọn ảnh dự thi của NSNA Việt Nam và thế giới? NSNA Việt Nam có thuận lợi gì và hạn chế gì so với bạn bè quốc tế?
- Một tác phẩm nhiếp ảnh tốt phải mang một thông điệp mạnh mẽ dựa trên cách thể hiện táo bạo và đa dạng. Ảnh của nhiều nghệ sĩ Việt Nam có sáng tạo, nhưng chưa có nhiều ý tưởng mới lạ và cách thể hiện còn “hiền”. Nghệ sĩ Việt Nam dường như cũng chưa chú ý đúng mức đến tư duy logic, trong đó có cả việc sử dụng những kỹ năng trong hội nhập và giao lưu nhiếp ảnh quốc tế. NSNA Việt Nam có thuận lợi bởi Việt Nam cho họ nhiều thứ để lựa chọn: phong cảnh đẹp, đa dạng, sự phong phú về văn hóa, phong tục của 54 dân tộc cùng sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại trong một xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Đó là mạch nguồn cho những ý tưởng, khuôn hình đặc sắc.
- Hà Nội sắp bước vào nghìn năm tuổi. Anh dự định sẽ tặng gì cho Hà Nội vào dịp đặc biệt này?
- Tôi ấp ủ một triển lãm mang tên "Hà Nội động và tĩnh", muốn chuyển tải thần thái của một Hà Nội đang trở mình, vẫn đẹp mê hồn với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. "Hà Nội động và tĩnh" là vị thế, hy vọng sẽ mang đến cho công chúng ít nhiều sự mới mẻ. Tôi chỉ có thể nói trước như vậy.
- Xin cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.