(HNM) - Cho đến giờ phút này, nhiều tác phẩm nghệ thuật chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã sẵn sàng ra mắt khán giả. Hăng hái nhất là điện ảnh với Long thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long, Trần Thủ Độ, Thăng Long - thành phố rồng bay (phim 3D)...
Sân khấu có chèo Lý Thường Kiệt, kịch nói góp Dời đô, còn rất nhiều vở diễn khác do nhiều đoàn nghệ thuật các tỉnh, thành trên cả nước dàn dựng. Hầu hết tác phẩm nghệ thuật này đều khai thác những nhân vật lớn ở các giai đoạn khác nhau trong lịch sử 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, số ít người đã cho rằng, phim lịch sử phải bảo đảm tính chân thật của lịch sử, đó là ý kiến đáng chú ý, nhưng...
Nếu xem hết các phim kể trên dễ dàng nhận thấy một điều: bối cảnh phim không giống nhau. Trần Thủ Độ lấy bối cảnh là cung đình triều Nguyễn (1802-1945) ở Huế trong khi ông này làm quan triều Trần (1226-1400) và kinh đô lại ở Thăng Long. Đường đến thành Thăng Long thì quay tại phim trường ở Trung Quốc, Long thành cầm giả ca quay nhặt ở phủ Thành Chương và Thiên đường Bảo Sơn... Về trang phục, nét tương đồng của các phim về Thăng Long là áo vua có hình rồng; còn áo, mũ mão của các quan dù cùng triều đại nhưng màu sắc và chi tiết lại khác nhau.
Ai cũng biết, do giặc giã, do khí hậu khắc nghiệt và không được trùng tu nên các công trình lịch sử, văn hóa theo thời gian bị đổ nát. Trong khi đó, sách ghi chép về lịch sử không còn nhiều. Viết về Lý Công Uẩn, Đại Việt sử ký toàn thư, cuốn sách được viện dẫn nhiều nhất cũng chỉ có mấy dòng “là người khoan thứ, nhân từ” sẽ là “bậc minh chủ trong thiên hạ”. Trước khi khai quật khu di tích 18 Hoàng Diệu, các nhà sử học cũng chỉ biết rất chung chung: Hoàng thành thời Lý, Trần, Lê rất “nguy nga”.
Một bộ phim, một vở kịch lịch sử mà không có xung đột, mâu thuẫn trong cốt truyện thì đó chỉ là kể lại lịch sử bằng hình ảnh. Như thế không phải là nghệ thuật. Thế giới đã làm phim, dựng kịch lịch sử trước chúng ta rất nhiều năm và tiêu chí họ đặt ra là tác phẩm nghệ thuật ấy phải toát lên tinh thần của nhân vật trên nền sự kiện lịch sử. Chúng ta đi sau thế giới và lịch sử của chúng ta càng xa ngày nay lại càng “mờ” nên phải làm theo phương pháp giả định. Bởi vậy nếu còn quan niệm tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật đề tài lịch sử theo kiểu phải bảo đảm tính chân thực thì...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.