Theo dõi Báo Hànộimới trên

Muốn bình ổn giá phải tăng liên kết

Người Tiêu dùng| 24/09/2011 06:30

(HNM) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2011 của Hà Nội chỉ tăng 0,2%, thấp nhất từ đầu năm đến nay, thể hiện ở giá cả hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên thị trường đều giảm.


Đây là dấu hiệu tích cực, do tác động của nhiều nguyên nhân và khiến người tiêu dùng cảm thấy "dễ chịu" hơn. Tuy vậy, sự tích cực này chưa ổn định, bằng chứng là chỉ sau trận mưa to sáng 20-9, người ta lại giật mình khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng tại các chợ đều tăng vọt với lý do nguồn cung thiếu (?).


Ảnh minh họa

Ngày 13-9 vừa qua, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị về tăng cường mối liên kết trong chuỗi cung ứng để góp phần bình ổn giá đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Việc này 2, 3 tháng qua đã thực hiện trong chăn nuôi và bước đầu giải quyết được khó khăn về thịt lợn. Còn trước nữa, một số doanh nghiệp đã mày mò, tự thực hiện liên kết và đạt được nhiều kết quả khả quan như Saigon Co.op với mặt hàng rau, củ, quả, Tổng Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản trong lĩnh vực chế biến thực phẩm... Tuy nhiên, để đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường, cần phải huy động nguồn cung và nhiều nhà phân phối khác trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng thì mới giải quyết đến nơi đến chốn được.

Ở TP Hồ Chí Minh, từ chương trình bình ổn giá, TP đã xây dựng các đề án chiến lược phát triển chăn nuôi và xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi, tạo liên kết vùng chăn nuôi đến năm 2015. Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm để khuyến khích, hỗ trợ hoạt động liên kết vùng, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm cho thành phố, phục vụ mục tiêu bình ổn giá một cách bền vững.

Hà Nội thì lại đang làm ngược lại khi nguồn cung tại chỗ được coi là khá dồi dào, nguồn cung tại các địa phương lân cận cũng sẵn, giá cả lại hấp dẫn do giảm được chi phí vận chuyển và sẵn có mối quan hệ tốt từ trước đến nay song các giải pháp thực hiện chủ trương bình ổn giá với kinh phí gần 400 tỷ đồng lại được giao về cho Sở Công thương quản lý rồi "chia" cho doanh nghiệp để dự trữ hàng kinh doanh là chính. Những nội dung khác như khuyến khích đầu tư chăn nuôi, phát triển rau sạch... chưa được quan tâm, dẫn đến các vùng rau sạch truyền thống không tiêu thụ được sản phẩm, chăn nuôi lợn thịt thì không ai ngó ngàng tới...

Người tiêu dùng chỉ thực sự thấy yên tâm và đánh giá các chính sách về quản lý thị trường là có hiệu quả khi giá cả hàng hóa thị trường, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu được ổn định, có sự bền vững. Muốn thế, việc tăng cường mối liên kết trong chuỗi cung ứng là hết sức cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Muốn bình ổn giá phải tăng liên kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.