Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mừng chiến thắng bóng đá phải văn minh!

Ngân - Nga - Oanh| 27/01/2018 08:09

(HNM) - Niềm vui vỡ òa khi đội tuyển Việt Nam đặt những dấu son lịch sử tại Giải Bóng đá U23 Châu Á 2018. Ngay sau mỗi trận thắng, người hâm mộ cả nước lại đổ ra đường ăn mừng.


Trong dòng người hân hoan ấy, có rất nhiều những hành động đẹp, thể hiện niềm tự hào dân tộc, song cũng có những "hạt sạn" biểu hiện sự thái quá, phản cảm. Để có được niềm vui trọn vẹn, mỗi người dân hãy luôn cổ động, ăn mừng chiến thắng một cách văn minh - đó là ý kiến của nhiều bạn đọc gửi đến Báo Hànộimới trước giờ bóng lăn trong trận đấu quyết định của đội tuyển U23 Việt Nam ngày hôm nay, 27-1.

Người hâm mộ cổ vũ cho Đội tuyển U23 Việt Nam tại Giải Bóng đá U23 Châu Á 2018. Ảnh: Nhật Nam



Ông Lê Hồng Lê (quận Nam Từ Liêm): Tuyệt đối không ủng hộ hành vi quá khích

Những ngày qua, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên khán đài sân vận động khi đội tuyển U23 chiến thắng và ngập tràn khắp đường phố Hà Nội theo dòng người cổ động đội nhà, tôi và rất nhiều người đã dâng trào cảm xúc. Tự hào thay những cầu thủ đã làm nên chiến thắng, tự hào thay biểu tượng của đất nước Việt Nam được tung bay trên khắp mọi miền. Vậy mà một bộ phận cổ động viên có những hành động ăn mừng phi văn hóa, không đúng thuần phong mỹ tục, gây phản cảm, khiến dư luận bất bình. Một số cổ động viên quá khích đã thực hiện những trò thách đố nguy hiểm có nguy cơ gây mất an toàn với bản thân và người khác (cởi quần áo chạy ra đường, nhảy xuống sông)… khiến cơ quan chức năng phải lên tiếng, yêu cầu cổ động viên khi tham gia cổ vũ đội tuyển U23 phải có văn hóa, lên án và tuyệt đối không ủng hộ các hành vi quá khích, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Tôi mong mọi người có trách nhiệm với hành vi của bản thân mình.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến: Thể hiện niềm tự hào đúng chỗ và đúng cách

Trước nhu cầu của đông đảo người hâm mộ, trong đó có tầng lớp thanh niên, Thành đoàn đã chỉ đạo Đoàn - Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS tổ chức cho thanh niên, sinh viên, học sinh xem bóng đá, cổ vũ tại địa điểm tập trung tại trường hoặc sân vận động, nhà văn hóa. Trước giờ cổ vũ tại “thế giới riêng” ấy, người hâm mộ đều thực hiện nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca Việt Nam, tạo không khí trang trọng, đậm nét văn hóa dân tộc. Dịp này, Thành đoàn cũng chỉ đạo các cơ sở đoàn lồng ghép hoạt động tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên... xem và cổ vũ bóng đá bảo đảm văn minh, lịch sự, an toàn, tránh các hoạt động, hành vi quá khích, vi phạm pháp luật.

Thành đoàn cũng tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trước, trong và sau trận đấu. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền địa phương cùng vào cuộc, bố trí địa điểm cho người yêu bóng đá được theo dõi trận đấu và hướng dẫn, vận động mọi người thể hiện niềm tự hào, lòng yêu nước đúng chỗ và đúng cách. Thể hiện tình cảm đúng chỗ và đúng cách vừa là món quà dành cho những tuyển thủ đã mang vinh quang về cho đất nước, vừa là trách nhiệm góp phần xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng.

Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Nguyễn Quý Hợi: Cổ vũ bóng đá rất cần văn hóa

Rất nhiều “tín đồ” của bóng đá đã cùng nhau tham gia diễn đàn trên mạng để cổ động và đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Việc này hoàn toàn đúng đắn và đáng được lan truyền sâu rộng, bởi việc cổ vũ bóng đá một cách có văn hóa là rất cần thiết. Nhưng tiếc là, hiện tượng cổ động viên có sự phân biệt giữa các đội, cầu thủ hoặc không đồng tình với trọng tài... khiến việc cổ vũ đôi khi phản tác dụng.

Đáng phê phán nhất là nhiều cổ động viên do không kiểm soát được cảm xúc, hoặc cố tình văng tục, chửi thề đi kèm những hành động thái quá, thậm chí bôi nhọ cầu thủ, trọng tài bằng hình thức tung những bức ảnh phản cảm lên mạng xã hội. Chưa kể, còn có hiện tượng lợi dụng việc cổ vũ bóng đá để chơi cờ bạc trá hình, cá cược, đua xe, ăn mặc phản cảm... Cổ động viên, người hâm mộ chân chính sẽ là người đầu tiên đấu tranh với những đối tượng quá khích như trên, đồng thời tạo hiệu ứng tốt để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, dùng đa số đấu tranh với tiêu cực thiểu số. Có như thế niềm phấn khởi, lòng tự hào của người hâm mộ mới thực sự có ý nghĩa.

Anh Vũ Đức Lợi - Chung cư Happy House - Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên): Để niềm vui được trọn vẹn

Hai đêm xuống đường sau khi Việt Nam thắng tứ kết và bán kết, hòa vào dòng người hâm mộ ăn mừng chiến thắng lịch sử của bóng đá nước nhà, bên cạnh niềm vui và tự hào dân tộc, tôi không khỏi băn khoăn, bất bình trước những hành vi quậy phá khi tham gia giao thông của nhiều bạn trẻ chiều tối ngày 23-1. Dù vào giờ cao điểm nhưng từng đoàn xe nối đuôi nhau, người ngồi trên xe mang theo cờ hoa, kèn trống nhưng hầu hết đều không đội mũ bảo hiểm. Nhiều đám đông sẵn sàng dừng xe, tụ tập tràn sang cả hai làn đường khiến mọi lối đi bị bịt kín. Thậm chí có người phấn khích, dùng xe máy chặn ngang đầu ô tô, xe buýt, chắn lối đi trong hầm đường bộ, ép người đi đường phải dừng lại để cùng cổ vũ cho đội tuyển... Hậu quả là tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên nhiều tuyến phố; lực lượng làm nhiệm vụ phải vất vả suốt đêm.

Thiết nghĩ, có rất nhiều cách thể hiện sự tự hào, tinh thần đoàn kết, vì thế, để niềm vui được trọn vẹn, mỗi chúng ta hãy là những cổ động viên văn minh, có văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mừng chiến thắng bóng đá phải văn minh!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.