(HNM) - Theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương thì đến hết năm 2015 phải cổ phần hóa (CPH) hết 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, tại hội thảo khoa học
CPH theo tiến độ…thụt lùi!
Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh, việc CPH DNNN trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ chậm, không đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra. Ba năm gần đây, cả nước chỉ sắp xếp được 180 DN trong đó CPH được 99 DN và 81 DN được sắp xếp theo hình thức khác. Điều đáng lưu ý là theo thống kê của TS Dung, tốc độ CPH đang theo chiều hướng… thụt lùi! Cụ thể, trong thời kỳ "hoàng kim" của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2004-2005, bình quân mỗi năm có đến 800 DN được CPH. Sau đó tốc độ CPH giảm mạnh. Tính đến năm 2007, số lượng DN CPH đạt con số 118 DN và sau đó "xuống dốc", trung bình mỗi năm chỉ CPH được 18,7 DN. Năm 2011 con số DN CPH nhích lên 60 DN, tuy nhiên năm 2012 lại chỉ có 13 DN được CPH và năm 2013 càng tệ hơn khi đến tháng 9 mà chỉ có 3 DN được CPH.
Tổng Công ty Cơ khí Giao thông - Vận tải Sài Gòn (Samco) đang trong lộ trình cổ phần hóa. |
TS Dung dẫn số liệu từ Ban Chỉ đạo đổi mới DNNN cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay có 146 DNNN được phê duyệt giá trị và chỉ có 14 DN được sắp xếp "để CPH hết số DN còn lại vào cuối năm 2015 thì tính bình quân mỗi ngày phải CPH một DN là điều rất khó", bà Dung nói.
Việc CPH chậm chạp, theo TS Dung là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân một số lãnh đạo DNNN lo ngại sẽ bị mất hoặc giảm quyền khi chuyển thành công ty cổ phần; lạm phát năm cao năm thấp không ổn định làm cho giá cả không phản ánh thực chất tài sản của DNNN; lúng túng trong xác định giá trị DN…
Mạnh dạn giải thể DNNN làm ăn không hiệu quả
Theo PGS-TS Trần Thị Minh Châu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tình trạng giấu nợ, giấu lỗ đã gây ra những tổn thất to lớn ở nhiều tổng công ty nhà nước. PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, báo cáo của các DNNN làm ăn đều khá nhưng thực tế tài chính của DNNN lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất cân đối tài chính, nguy cơ thua lỗ kéo dài. Các DNNN phải chi ra hàng chục đồng vốn mới tạo được một đồng doanh thu trong khi các DN ngoài quốc doanh chỉ cần bỏ ra một đồng vốn là có một đồng doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng ở mức rất thấp, chỉ khoảng 16,5%, tương đương với chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng.
Theo các đại biểu, để đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN thì cần kiên quyết sắp xếp, giải thể những DNNN hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài không có khả năng khôi phục. Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Dung, để đẩy mạnh CPH DNNN cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp. Đó là xác định cụ thể giá trị quyền sử dụng đất của DN và đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị DN cổ phần. Xác định rõ những ngành nào Nhà nước cần nắm 100% vốn, ngành nào nắm cổ phần chi phối, ngành nào không cần, từ đó đẩy mạnh sắp xếp DNNN theo hướng chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối. Nhà nước kiên quyết không ưu đãi, hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dưới dạng bao cấp, bảo hộ và cần tập trung hoàn thiện chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh tự chủ, minh bạch cho hoạt động của DN sau CPH.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, cần có thêm giải pháp thu hút tư nhân đầu tư vào 432 DNNN cần CPH. Song muốn kêu gọi được tư nhân đầu tư thì phải quyết liệt tháo gỡ những rào cản hiện nay như giấy phép con, quyền tự do kinh doanh. Nhà nước cũng phải rà soát, loại bỏ các quy định phân biệt đối xử giữa DNNN và DN tư nhân; xóa bỏ các rào cản tham gia thị trường, thái độ phân biệt đối xử doanh nghiệp tư nhân và DNNN… Đồng thời, xây dựng cơ chế hậu kiểm và đổi mới quản lý doanh nghiệp; rà soát và khắc phục sự chồng chéo trong các quy định pháp luật, đơn giản các thủ tục, tạo môi trường tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các DN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.